Kiểm toán nội bộ: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Hoạt động kiểm toán nội bộ (KTNB) đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin tài chính, giúp phát hiện, phòng ngừa và xử lý kịp thời những gian lận, yếu kém trong công tác quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Để tạo điều kiện cho hệ thống KTNB trong các đơn vị này hoạt động hiệu quả, Việt Nam cần nghiên cứu, đúc kết thêm những kinh nghiệm quốc tế.
Trình độ chuyên môn, tính độc lập của kiểm toán viên
Nhiều nghiên cứu đã minh chứng KTNB trở thành một cơ chế kiểm soát không thể thiếu trong các đơn vị thuộc khu vực công (KVC). Đặc biệt, trình độ chuyên môn và tính độc lập của kiểm toán viên nội bộ (KTVNB) là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động KTNB.
Theo nghiên cứu của Schyf về KTNB tại một cơ quan thuộc Chính phủ Nam Phi, sự thiếu trình độ, chuyên môn của KTV là yếu tố cản trở việc thực hiện chức năng KTNB trong KVC. Từ đó, tác giả đề xuất các ủy ban kiểm toán trong KVC nên khởi động kế hoạch hướng đến những KTVNB. Các kế hoạch này sẽ cung cấp cho chính quyền cái nhìn sâu sắc về thực trạng KTNB trong KVC và có biện pháp tối ưu hóa hoạt động thông qua việc tìm nguồn cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan và khắc phục tình trạng phải thuê KTVNB từ các nhà cung cấp dịch vụ kiểm toán bên ngoài.
Một nghiên cứu khác của Ahmad và cộng sự tại KVC ở Malaysia cho thấy, hoạt động KTNB trong khu vực này gặp nhiều rào cản. Các KTV còn thiếu kiến thức và chưa được đào tạo nhiều về chuyên môn, nghiệp vụ. Quan điểm tiêu cực về KTNB đã dẫn đến việc ban giám đốc không những không khuyến khích mà còn vô hiệu hóa các đóng góp tích cực của KTNB. Bên cạnh đó, các KTVNB còn gặp khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ do thiếu năng lực và sự độc lập. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu các KTVNB thiếu độc lập trong hoạt động, báo cáo kiểm toán sẽ không có giá trị và ý nghĩa đối với việc cải thiện trách nhiệm giải trình cũng như tính minh bạch của KVC.
Còn nghiên cứu của Dessalegn G. Mihret và Yismaw về KTNB trong một tổ chức giáo dục công ở Ethiopia chỉ rõ, sự thiếu hiệu quả trong hoạt động KTNB sẽ gây ảnh hưởng đến việc kiểm soát ngân sách. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả, KTNB cần phải mở rộng phạm vi kiểm toán kết hợp với phân tích rủi ro thích hợp. Bên cạnh đó, việc cơ quan quản lý quan tâm đến các kiến nghị của KTVNB và có chính sách nhân sự tốt sẽ tác động đáng kể đến hiệu quả hoạt động KTNB.
Theo nghiên cứu về tính hiệu quả của KTNB tại KVC ở bang Kogi, Nigeria do Emmanuel và cộng sự thực hiện, KTNB có thể tìm ra các hành vi gian lận trong KVC. Qua đó, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ nên duy trì môi trường thuận lợi giúp các KTVNB có đủ sự độc lập để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra khuyến nghị riêng cho vấn đề nhân sự của KTNB. Theo đó, quy trình tuyển dụng KTVNB cần được minh bạch để đảm bảo sự tham gia của những nhân viên có trình độ; ban quản lý các tổ chức cần thúc đẩy đội ngũ KTVNB thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các thủ tục KTNB; thường xuyên đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng cho đội ngũ KTVNB…
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bài viết rút ra một số bài học cho Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển KTBN tại các đơn vị sự nghiệp sử dụng NSNN:
Thứ nhất, để tăng cường quản lý đối với hoạt động của KTNB, Nhà nước cần xây dựng và ban hành những quy định về KTNB phù hợp với điều kiện mới, kèm theo hướng dẫn các đơn vị thiết lập bộ phận KTNB. Đồng thời, Nhà nước cần có chế tài bắt buộc các đơn vị phải thiết lập bộ phận KTNB. Bộ Tài chính sớm hoàn thiện, ban hành hướng dẫn cụ thể về hoạt động KTNB cũng như các quy định về địa vị pháp lý, tính độc lập, đạo đức nghề nghiệp, quyền hạn và trách nhiệm của KTNB.
Thứ hai, các cơ sở đào tạo cần tập trung trang bị cho người học những kiến thức về KTNB, có thể đưa môn học KTNB vào chương trình học bắt buộc đối với các sinh viên chuyên ngành kế toán - kiểm toán. Các tổ chức, hội nghề nghiệp cũng nên thường xuyên tổ chức các lớp về đào tạo cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ KTNB theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cần xem xét hợp tác với các tổ chức kiểm toán hàng đầu trên thế giới nhằm trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời cập nhật thêm các xu hướng, chuẩn mực mới khi áp dụng tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ ba, bộ phận KTNB phải đảm bảo tách biệt và độc lập với các bộ phận chức năng khác của đơn vị để có thể hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán. Mục đích, quyền hạn và trách nhiệm của bộ phận KTNB cũng cần được nêu rõ trong văn bản chính thức. Ngoài ra, quy chế hoạt động của các đơn vị phải xác định rõ địa vị, phạm vi hoạt động của KTNB, cho phép bộ phận này tiếp cận những nguồn thông tin nào để thực hiện công việc có liên quan. Các mối đe dọa đối với tính độc lập phải được quản lý ở cấp độ mỗi KTV, cả phòng ban và tổ chức.
Thứ tư, KTVNB cần tăng cường hợp tác với KTV bên ngoài trong việc lập kế hoạch chung, trao đổi thông tin, ý kiến và báo cáo để tạo điều kiện cho chất lượng của cuộc kiểm toán được nâng lên.
Thứ năm, lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập cần có nhận thức đúng đắn về vai trò của KTNB trong việc kiểm soát, ngăn ngừa và phát hiện các sai phạm, qua đó có những hỗ trợ cần thiết, giúp bộ phận KTNB có thể phát huy hết hiệu quả hoạt động tại đơn vị. Bên cạnh đó, nhà quản lý cần xây dựng quy trình tuyển dụng KTVNB một cách công khai và minh bạch, nhằm đảm bảo tuyển dụng được những nhân viên có trình độ chuyên môn và có đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, người đứng đầu bộ phận KTNB nên thường xuyên tham dự các cuộc họp với nhà quản lý đơn vị để nắm bắt các chính sách ảnh hưởng đến mục tiêu của đơn vị. Ngoài ra, nhà quản lý cần quan tâm đến vấn đề kinh phí, tạo điều kiện để bộ phận KTNB trong đơn vị hoạt động hiệu quả.