Doanh nghiệp cần nhiều sự hỗ trợ hơn nữa mới có thể vượt khó
(Tài chính) Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 4/2014, cả nước có 7.373 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 45.425 tỷ đồng, giảm 1,5% về số doanh nghiệp và tăng 29,5% về số vốn đăng ký so với tháng 3 năm 2014.
Bức tranh doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2014
Số doanh nghiệp giải thể trong tháng 4/2014, cả nước có 694 doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục giải thể doanh nghiệp, tăng 0,6% so với tháng 3/2014.
Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngừng hoạt động trong tháng 4/2014, cả nước có 5.260 doanh nghiệp ngừng hoạt động (trong đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 883 doanh nghiệp, số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế là 3.683 doanh nghiệp) tăng 20,7% so với tháng 3/2014.
Trong 4 tháng đầu năm 2014, cả nước có 25.729 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 143.408 tỷ đồng. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2013 số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 8,1% và số vốn đăng ký tăng 16,2%.
Mức vốn đăng ký bình quân 4 tháng đầu năm 2013 là 5,57 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2013 là 5,18 tỷ đồng/doanh nghiệp. Đây là một tín hiệu mừng mặc dù vẫn còn thấp hơn mức bình quân năm 2011, bình quân 1 doanh nghiệp đăng ký với 6,63 tỷ đồng.
Trong bức tranh doanh nghiệp 4 tháng đầu năm, các vùng kinh tế trên cả nước nhìn chung đều có sự gia tăng về số doanh nghiệp thành lập mới so với cùng kỳ năm 2013.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long lại đang thể hiện một bức tranh còn nhiều khó khăn với số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 9,6%), các địa phương có mức giảm tương đối mạnh là Hậu Giang (giảm 40,5%), Trà Vinh (giảm 39,8%), Sóc Trăng (giảm 34%).
Điều đáng nói là hầu hết các ngành đều có sự gia tăng về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới so với cùng kỳ năm 2013, điển hình là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 276,4%, thể hiện lộ trình tái cấu trúc hệ thống của Ngân hàng Nhà nước đã và đang đi đúng hướng.
Tuy nhiên, một số ngành lại có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2013 là: Thông tin và truyền thông (giảm 60,7%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 0,9%).
Trong 4 tháng đầu năm 2014, tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 21.489 doanh nghiệp tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó: Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn là 4.725 doanh nghiệp, tăng 9,2%.
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 13.489 doanh nghiệp, tăng 10,1%. Số doanh nghiệp giải thể là 3.275 doanh nghiệp, tăng 7,2%.
Các doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc ngừng hoạt động, nhưng không đăng ký vẫn tập trung chủ yếu tại các địa phương trọng điểm, như: Thành phố Hồ Chí Minh có 7.617 doanh nghiệp; Hà Nội có 4.582 doanh nghiệp; Hải Phòng có 585 doanh nghiệp; Đà Nẵng có 660 doanh nghiệp.
Phân theo ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh, đa số các lĩnh vực kinh doanh đều có số doanh nghiệp phải dừng hoạt động gia tăng so với cùng kỳ năm 2013, trong đó một số lĩnh vực có tỷ lệ tăng cao, như: lĩnh vực Y tế và trợ giúp xã hội tăng 47,2%; Giáo dục và đào tạo tăng 35,6%; Thông tin và truyền thông tăng 31,8%.
Một số lĩnh vực đã có xu hướng bớt khó khăn hơn khi số doanh nghiệp phải dừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2013, như: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 3,3%; Hoạt động dịch vụ khác giảm 27,2%.
Số doanh nghiệp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2014 là 5.863 doanh nghiệp, trong đó tập trung chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm: vùng Đông Nam Bộ 2.483 doanh nghiệp (Hồ Chí Minh 2.044 doanh nghiệp); vùng Đồng bằng Sông Hồng 1.874 doanh nghiệp (Hà Nội 1.366 doanh nghiệp).
Lĩnh vực có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tập trung nhiều nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 2.133 doanh nghiệp.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nền kinh tế cả nước hiện có khoảng trên 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp dân doanh, chiếm tới 97-98%.
Nếu xét về quy mô doanh nghiệp, thì chúng ta có đến 95%-96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, riêng siêu nhỏ (với tiêu chí dưới 10 lao động) đã chiếm tới 66-67%. Còn nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, thì tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ lên tới 99,9%.
Kết quả cuộc điều tra về năng lực cạnh tranh của hơn 8.000 doanh nghiệp do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổng cục Thống kê, trường Đại học Copenhagen và Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch thực hiện và công bố cuối năm 2013 cho thấy, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó vốn là số 1, tiếp đến là thiết bị, lao động có kỹ năng, hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin.
Đầu tư nghiên cứu - phát triển (R&D) còn hạn chế. Trong số hơn 8.000 doanh nghiệp, thì chỉ có 826 doanh nghiệp (hơn 10%) cho biết có tiến hành, nhưng phần lớn (55%) để ứng dụng công nghệ thích ứng với thị trường mà không phải nghiên cứu công nghệ mới so với thế giới. Những tư liệu của cuộc điều tra này đã bộc lộ nhược điểm lớn về vốn, máy móc, thiết bị, công nghệ và R&D của doanh nghiệp.
Cần nhiều hỗ trợ để bứt phá
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định: “Thời gian vừa qua chúng ta chú ý nhiều đến mảng FDI, nhưng nay, khối doanh nghiệp dân doanh cần được quan tâm đầy đủ hơn, bởi đây là lực lượng đông đảo nhất, cũng như quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam”.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những tồn tại trong phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào 4 nguyên nhân; (1) Quy mô doanh nghiệp vẫn chủ yếu là nhỏ và vừa; (2) Hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước còn thấp; (3) Thị trường trong nước phát triển chậm, nguy cơ mất thị phần gia tăng; (4) Khả năng hấp thụ vốn thấp, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.
Còn GS., TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân cần được kích hoạt nhanh hơn để góp phần gia tăng tốc độ tăng tưởng kinh tế đất nước.
Theo ông Mại, giải pháp kích hoạt động lực này chủ yếu lại là từ chính bản thân các doanh nghiệp, bởi họ là những người hàng ngày phải lao động cật lực để xử lý từ sản xuất đến tiêu thụ, từ tài chính đến lao động, tiền lương. Do vậy, không nên bàn nhiều về việc doanh nghiệp của họ cần làm gì để vượt qua khủng hoảng, mà việc cần bàn là sự hỗ trợ từ nhà nước, từ mối liên kết giữa các doanh nghiệp để giúp các doanh nghiệp đang đình trệ có điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đang trong trạng thái bình thường có cơ hội để kinh doanh phát đạt, tăng thêm tích lũy để tái sản xuất mở rộng...
Cũng theo ông Mại, có 4 nhân tố chính để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể phát triển, đó là: Hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế của nhà nước, tín dụng ngân hàng với lãi suất hợp lý và thủ tục thuận lợi theo hướng chuyển từ cho vay phải thế chấp là chủ yếu sang cho vay theo phương án đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích mối liên kết giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với tập đoàn kinh tế trong nước và trong khu vực FDI để phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ; coi trọng hình thành thương hiệu của doanh nghiệp và sản phẩm để tạo lập lòng tin với người tiêu dùng; đồng thời, coi trọng hơn nữa vai trò của Hiệp hội ngành hàng, bởi đó là nơi tập hợp tiếng nói các doanh nghiệp.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, ngày 28/4/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Chính phủ sẽ làm hết sức mình để tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển".
Thủ tướng thừa nhận: "Chính phủ nghiêm túc nhìn nhận là môi trường kinh doanh còn nhiều vấn đề, hạn chế, vướng mắc cần được giải quyết, khắc phục, nếu không sẽ không thể cạnh tranh được với các nước khác". Trước tình hình đó, Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng cần thực hiện 4 nhóm giải pháp: (1) Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; (2) Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; (3) Tiếp tục ban hành những chính sách hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp cũng phải vươn lên để tái cơ cấu lại doanh nghiệp của mình; (4) Hỗ trợ bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy ước quốc tế.
Tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội để sửa 2 luật theo hướng tháo bỏ toàn bộ những rào cản đang cản trở sự tham gia vào thị trường cũng như thành lập và phát triển doanh nghiệp của khối dân doanh, theo hướng: Tất cả những ngành nghề nào mà luật pháp không cấm thì người dân và doanh nghiệp đều có thể tham gia, đó là: Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi.