Doanh nghiệp cần xây dựng các mô hình liên kết trong nông nghiệp
Doanh nghiệp phải chủ động trong xây dựng các mô hình liên kết, xây dựng mối quan hệ hợp tác hài hòa với các tác nhân trong chuỗi cung ứng, đồng thời thúc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh.
Đây là các kiến nghị của các chuyên gia tham dự Diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 8/9 tại Hà Nội.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, tăng trưởng và phát triển nông nghiệp trong vài thập kỷ qua chủ yếu dựa trên cơ sở thâm dụng đầu vào sản xuất, nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên.
Dẫn chứng như năm 2014, năng suất lao động ngành nông nghiệp chỉ bằng 39% năng suất lao động chung của nền kinh tế. Điều này làm cho nông nghiệp Việt Nam phát triển thếu bền vững, đối mặt với nhiều khó khăn như giá trị gia tăng thấp, an toàn thực phẩm không đảm bảo và khả năng sinh lời thấp.
Nguyên nhân là do phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển chậm.
Để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Nông nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Bình, cần có những rà soát, đánh giá tổng thể, nhận diện các vấn đề cốt lõi, các nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng trên, từ đó, có những giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, hiện năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng thấp, tăng trưởng trong ngành Nông nghiệp những năm gần đây có xu hướng giảm, phát triển kém bền vững.
Một trong những nguyên nhân quan trọng của những yếu kém trên là do phương thức sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ manh mún, doanh nghiệp hợp tác xã chậm phát triển, sản suất nông nghiệp thiếu liên kết.
Thêm vào đó, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp nông thôn chưa tương xứng, đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng thấp, khoảng 5,4-5,6% tổng đầu tư cả nước.
Bên cạnh các giải pháp thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trong thời gian tới, các đại biểu cũng cho rằng, các doanh nghiệp cũng phải chủ động trong xây dựng các mô hình liên kết, xây dựng mối quan hệ hợp tác hài hòa với các tác nhân trong chuỗi cung ứng, đồng thời thúc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh nhằm khuyến khích phát triển theo xu hướng chung của thế giới.