Doanh nghiệp dệt may nỗ lực nâng cao năng suất, chất lượng

Cẩm An

Doanh nghiệp dệt may cần đẩy mạnh áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng nhằm đáp ứng ngày càntốt hơn các yêu cầu khắt khe của khách hàng quốc tế.

Xuất khẩu dệt may đặt mục tiêu 47 - 48 tỉ USD trong năm nay. Ảnh: Internet
Xuất khẩu dệt may đặt mục tiêu 47 - 48 tỉ USD trong năm nay. Ảnh: Internet

Khách hàng ngày càng khắt khe về chất lượng

Năm 2025, dệt may Việt Nam có những khởi đầu tương đối suôn sẻ khi đơn hàng khá dồi dào.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, nhiều doanh nghiệp hiện đã có đơn hàng xuất khẩu tới hết quý II. Trong năm 2025, nhìn chung có nhiều yếu tố tích cực cho dệt may Việt Nam. Mục tiêu xuất khẩu toàn ngành đặt ra là khoảng 47 - 48 tỷ USD.

Dù vậy, ông Giang lưu ý, cách mua hàng của các đối tác thay đổi rất nhanh, hôm nay có thể đơn hàng đã đàm phán nhưng sau đó do sức tiêu thụ, sức mua của người tiêu dùng trên thị trường thế giới chững lại trong khoảng 1 - 2 tuần, họ sẵn sàng báo tạm dừng đơn hàng đã đặt mà chưa sản xuất.

Doanh nghiệp dệt may đã và đang đứng trước những thách thức về tính ổn định của đơn hàng. Đơn hàng đàm phán rồi nhưng chuyện gì xảy ra thì chưa nói trước được.

Theo ông Giang, hiện nay doanh nghiệp dệt may Việt Nam không còn cơ hội để lựa chọn đơn hàng với số lượng lớn. 2 năm qua, doanh nghiệp phải chấp nhận sản xuất đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh và đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng.

“Có nhãn hàng nổi tiếng thế giới đang bán hàng ở thị trường Việt Nam, khi họ đặt hàng doanh nghiệp dệt may phải chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng. Nếu người tiêu dùng phát hiện chất lượng sản phẩm không ổn định, họ ra cửa hàng trả hàng, nhãn hàng sẽ phản hồi lại doanh nghiệp.

Nếu việc trả hàng vượt tỷ lệ cho phép thì nhãn hàng sẽ dừng việc đặt hàng với doanh nghiệp. Chúng ta tự chịu trách nhiệm về chất lượng, chịu trách nhiệm cho tới khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, áp lực rất lớn", ông Giang nói.

Tích cực áp dụng công nghệ, nâng cao năng suất                       

Ông Giang nhấn mạnh, thời gian tới các doanh nghiệp ngành dệt may cần tích cực áp dụng các giải pháp về công nghệ, máy móc thiết bị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Các nhãn hàng cũng tham gia vào thúc đẩy các giải pháp công nghệ với doanh nghiệp để xử lý các tình huống, góp phần tăng năng suất.

Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, đẩy mạnh áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng cũng là điều các doanh nghiệp phải hết sức lưu ý nhằm ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu khắt khe của khách hàng quốc tế.

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may tại tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa đã và đang triển khai nhiều giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng sản phẩm.

Một trong những giải pháp quan trọng nhất mà Công ty áp dụng là đầu tư vào công nghệ hiện đại, với việc trang bị các máy dệt tự động và máy may công nghiệp tiên tiến. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất, mà còn giảm thiểu tỷ lệ lỗi trong sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt hơn. Việc sử dụng công nghệ tự động hóa cũng phần nào giúp công ty tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất.

Doanh nghiệp cũng chú trọng đến việc cải tiến quy trình sản xuất bằng cách tối ưu hóa quy trình luân chuyển nguyên liệu và sản phẩm, từ đó giảm thiểu "thời gian chết" trong sản xuất. Việc sắp xếp lại không gian làm việc cũng giúp tăng cường hiệu quả và giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất.

Công ty đặc biệt lưu ý việc xây dựng môi trường làm việc thân thiện và tích cực. Các chính sách đãi ngộ hợp lý, cùng với các hoạt động gắn kết nhân viên đã giúp Công ty tạo ra một môi trường làm việc đầy động lực.

Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa đang nỗ lực nâng cao năng suất từ 5 - 7% thông qua cải tiến kỹ thuật và đầu tư vào máy móc tự động, cũng như áp dụng công nghệ số, giảm lao động gián tiếp. Khi đã có công nghệ tốt, doanh nghiệp có thể ký hợp đồng trực tiếp với đối tác ở Mỹ, châu Âu mà không cần trung gian...