Doanh nghiệp điện tử Việt Nam: Thách thức về đầu tư công nghệ

Theo Nguyễn Minh/thoibaonganhang.vn

Sự phát triển mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các DN điện tử trong nước phải đổi mới khoa học công nghệ, tự động hóa để theo kịp xu thế. Tuy nhiên hiện nay, các DN Việt chủ yếu là DNNVV với nền tảng quy mô nhỏ nên đây đang là thách thức không nhỏ.

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet

Phát triển mạnh mẽ, nhưng…

Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của điện tử Việt Nam tăng mạnh. Cụ thể từ năm 2015 đến nay, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới và lớn thứ 3 trong khối ASEAN. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện tử vượt ngưỡng 70 tỷ USD.

Còn 8 tháng đầu năm 2018, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam 8 tháng năm 2018 ước đạt 155,41 tỷ USD, riêng mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 30,88 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt gần 18,44 tỷ USD, tăng 11,4%...

Điều đó chứng tỏ các DN điện tử đang có sự chuyển mình  mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, 95% kim ngạch xuất khẩu đó lại thuộc về khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). DN trong nước chỉ đang lắp ráp, gia công và sức cạnh tranh còn thấp. Theo các chuyên gia, để các DN điện tử trong nước có cơ hội phát triển thì việc đầu tư đổi mới công nghệ là thật sự cấp thiết và đang được các bộ ngành đặc biệt quan tâm.

Theo Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, xu hướng chuyển dịch và đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam trở thành xu thế chủ đạo của các nhà đầu tư những năm gần đây. Sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, ở cả lĩnh vực sản xuất sản phẩm cuối cùng và sản xuất linh kiện điện tử. Những DN điện tử lớn hàng đầu thế giới hầu hết đã có mặt tại Việt Nam như Samsung, LG, Canon, Intel, Panasonic…

Trong đó, dự án lớn nhất thuộc Tập đoàn Samsung, với tổng vốn đầu tư tại Việt Nam tính đến nay là 11,2 tỷ USD, sản phẩm chủ yếu là điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ cao. Ngoài ra là hàng loạt dự án lớn như Intel (đầu tư trên 1 tỷ USD); LG (1,5 tỷ USD); Canon (306 triệu USD); Panasonic (250 triệu USD). Cùng với sự có mặt của các DN lớn tại Việt Nam là hàng loạt những DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ra đời chủ yếu sản xuất linh phụ kiện và công nghiệp phụ trợ.

Doanh nghiệp nội còn nhiều hạn chế

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - UVBCH Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam cho biết, các DN điện tử Việt Nam có rất nhiều cơ hội phát triển trong xu thế hội nhập. Song thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra đối với các DN Việt Nam cũng là rất lớn.

Các DN điện tử Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện tử đều là DNNVV, hầu hết thiếu vốn và nguồn lực để đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại. Bên cạnh đó, so với các DN FDI, DN Việt còn nhiều thua thiệt. Chẳng hạn như việc nhập khẩu các linh kiện cũng gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, nhất là các linh kiện để sản xuất các thiết bị đặc chủng.

Có thể thấy, để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh lớn thì việc đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ là điều kiện không thể thiếu. Ông Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng, các DN chậm phát triển và đổi mới ứng dụng công nghệ tự động hóa là một nguyên nhân làm cho năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không cao. Đây đang là một thách thức lớn đối với yêu cầu phát triển nền kinh tế. Trong thời kỳ mới, đây là yếu tố quyết định thành công của DN điện tử, tạo ra sức cạnh tranh.

Thực tế cho thấy, trình độ công nghệ sản xuất của ngành điện tử Việt Nam vẫn còn cách quá xa so với các nước trong khu vực. Bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng, ngành công nghiệp điện tử cần một quá trình phát triển từng bước và lâu dài. Theo đó, DN phải tự nâng cao năng lực của chính mình như nâng cao năng lực công nghệ và quản trị, tài chính, kết nối DN; Tăng cường marketing và xuất khẩu, tham gia vào một số chương trình hướng đến xuất khẩu, marketing quốc tế; Mạnh dạn đầu tư thiết bị mới…

Bên cạnh đó, các DN điện tử trong nước cần tăng cường đẩy mạnh liên kết, xúc tiến thương mại, đầu tư giữa DN nội với DN FDI. Để từ đó, các DN điện tử trong nước có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và thực hiện chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn, DN lớn của nước ngoài, bà Đỗ Thị Thúy Hương nhấn mạnh.