Doanh nghiệp đổ vỡ do “lợi trước mắt”
(Tài chính) Hơn 200 nghìn doanh nghiệp (DN) phá sản, ngừng hoạt động trong 4 năm qua là điều khiến ai cũng đau xót. Ngoài yếu tố khách quan, DN rơi vào khó khăn còn vì những lý do chủ quan.
“Tính xấu” của DN Việt
Khi đánh giá về cách làm ăn của một bộ phận DN Việt, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh đã dành những lời nhận xét nghiêm khắc: DN Việt Nam rất kì lạ, họ muốn phát triển nhưng không muốn nghiên cứu, không muốn mất nhiều chi phí đào tạo, cải tiến, tư duy chộp giật rất mạnh mẽ. Phần lớn trong số hơn 60 nghìn DN giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2013 đã bị “sập bẫy” do chính họ đặt ra.
Ông Nghĩa dẫn chứng: Có DN sản xuất bao bì xuất khẩu, kí được nhiều hợp đồng xuất khẩu tới năm 2014, nhưng cách đây 3 năm họ lại đầu tư cả bất động sản. Thị trường gặp khó khăn đã khiến DN này có nợ xấu hơn trăm tỉ đồng ở ngân hàng khiến ngân hàng phải “cắt” tín dụng. Lại có bộ phận DN xây dựng xong nhà máy là lao đao. Chúng tôi khảo sát ở Hà Nội, có tới 24% số nhà máy xây xong không đi vào hoạt động được.
Lí do là chủ DN muốn xây dựng các nhà máy hoành tráng trong khi vốn tự có ít, phải đi vay ngắn hạn ngân hàng. Cho nên khi nhà máy hoàn thành cũng là lúc ông chủ hết tiền, không còn vốn lưu động. Ngân hàng cắt vốn nên nhà máy nằm phơi nắng phơi mưa. Lại có DN làm dự án rất lãng mạn, hoành tráng về sinh thái, với ý tưởng viển vông. Họ vay vốn ngân hàng lao vào dự án hàng trăm héc-ta đất rồi nằm im.
Cùng chung suy nghĩ về “tính xấu” của nhiều DN Việt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Thất bại của hàng loạt DN vừa qua có phần là do làm ăn chộp giật, nghĩ ngắn hạn. Bản thân cách làm ăn như vậy chứa đựng đầy rủi ro. Khi không tiết chế được lòng tham, ham chạy theo phong trào, DN sẽ “chết” ngay lập tức. Cho nên phải thay đổi.
“Thay đổi” là thông điệp bà Phạm Chi Lan muốn gửi gắm tới một thế hệ doanh nhân mới. Trong một dịp trò chuyện với hàng trăm sinh viên ở Hà Nội cuối tuần qua, bà Phạm Chi Lan cũng không quên nhắn nhủ: Các bạn có thể có cơ hội làm giàu dễ dàng, nhanh chóng nhờ các mối quan hệ thân quen, nhưng nếu dám mạnh dạn từ chối và nghĩ đến đường dài thì các bạn nên chấp nhận từ bỏ lợi ích ngắn hạn đó để tìm cơ hội dành riêng cho mình.
Như thế các bạn sẽ thấy chân trời rộng hơn nhiều và còn nhiều dư địa để làm. Chẳng hạn với ngành dệt may, để kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 50 tỉ USD vào năm 2030 thì không thể chỉ dựa vào những người đạp máy khâu, mà phải có người làm ra sợi chỉ, thêu ren và các phụ kiện liên quan khác. Các bạn chỉ cần làm ra sợi chỉ thật tốt để cung cấp cho nhà máy may thì có thể thành công rồi.
Bà Phạm Chi Lan
“Đừng nghĩ ảo vọng, thật to, thật hoành tráng. Bắt đầu chỉ nên từ những điều nhỏ nhoi, như vậy mới vững chắc hơn là đi bước nhảy vọt vượt quá sức mình” - bà Lan nhấn mạnh.
Tự lượng sức mình
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: DN phải nghĩ ra ý tưởng riêng, rồi tìm người có kinh nghiệm hợp tác, xây dựng dự án một cách chi tiết, thẩm định nghiêm túc, cho dù dự án đó rất nhỏ. Không nên vay ngân hàng hàng chục, hàng trăm tỉ đồng để làm một dự án mà không tính toán kĩ. Đầu tư sai là sẽ thất bại. Hãy bỏ tư duy vay vốn để làm giàu nhanh chóng, tay không bắt giặc. Hơn hết, DN cần phải biết tự lượng sức mình.
Theo quan niệm của các chuyên gia, vốn của DN không chỉ là tiền, là đất đai. Bà Phạm Chi Lan khẳng định: Không phải có đất là có tất cả. Vốn quan trọng nhất của DN là con người. Người làm DN cần có ý chí kinh doanh, sáng kiến tốt. Cùng với ý chí mạnh mẽ, người khởi nghiệp cần quyết tâm đi theo con đường đã chọn, chấp nhận rủi ro. Đó là vốn quan trọng hàng đầu phải có. Ngoài ra, có được đội ngũ cộng tác giỏi giang, nhiệt huyết thì DN sẽ thành công được. “Hiện nay, hợp lí nhất là trông chờ vào sức mình, phải kiên trì, cố gắng, nhẫn nại” - bà Phạm Chi Lan khẳng định.
Chia sẻ với những người đã, đang và sẽ tham gia thương trường đầy khốc liệt, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương cho rằng: Các DN phải tập trung điều tra kĩ lưỡng thị trường, công nghệ, nguồn lao động, tích lũy kinh nghiệm từ các bài học nhỏ để dần vững mạnh và quan trọng nhất là không được e dè, sợ hãi trước khó khăn.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, bên cạnh các DN khó khăn, đóng cửa, phá sản, có một số ít DN Việt Nam đang tiếp tục cạnh tranh và phát triển tốt. Vinamilk là điển hình, kết quả kinh doanh của DN này rất ấn tượng. Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông mỗi năm cũng vẫn tăng trưởng 13-15%. Họ đang áp dụng công nghệ làm mỏng đi thân thủy tinh để giảm hao phí năng lượng, cạnh tranh được với đèn Trung Quốc.
Ngoài ra, thương hiệu Gốm sứ Minh Long cũng vẫn đang trên đà phát triển tốt. “Trong khó khăn, tôi muốn nói hãy sáng tạo, tự đổi mới, xem xét tình hình là chìa khóa để phát triển lên” - ông Lê Đăng Doanh chia sẻ.
Lương Bằng