Doanh nghiệp FDI quay về với xe lắp ráp trong nước?
Sau thời gian hướng về xe nhập khẩu, một số doanh nghiệp FDI đã bắt đầu cân nhắc đến việc quay về với xe lắp ráp nội địa, thậm chí là tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Rót thêm vốn vào nhà máy
Từ đầu năm đến nay, thị trường ô tô có nhiều biến động bởi các chính sách mới được triển khai. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp (DN) vẫn tin vào tiềm năng thị trường và tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Điển hình là Công ty TNHH TCIE Việt Nam (TCIEV) với thương hiệu Nissan. Ông Lawrence Lee Jiunn Shyan - Tổng giám đốc TCIEV cho biết, Công ty đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Hiện Công ty có một nhà máy sản xuất tại Đà Nẵng với vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD, lắp ráp 2 mẫu xe Nissan Sunny và Nissan X-Trail với công xuất 500 xe/tháng, đã chạy hết công xuất nhưng vẫn không đủ xe để giao cho khách hàng. Tập đoàn Tan Chong Motor Holdings Berhad tại Malaysia (công ty mẹ của TCIEV) đã lên kế hoạch rót thêm 20 triệu USD cho nhà máy Đà Nẵng vào năm 2019. Với nguồn kinh phí này, nhà máy Nissan Đà Nẵng sẽ lắp ráp thêm những mẫu xe thương hiệu Nissan.
Một thương hiệu đến từ Nhật Bản là Mitsubishi Motor cũng đã có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Hồi đầu năm, ông Kozo Shiraji - Phó chủ tịch Tập đoàn Mitsubishi Motor cho biết, Tập đoàn đang nghiên cứu kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ô tô thứ hai tại Việt Nam với vốn đầu tư 250 triệu USD, dự kiến có thể đi vào sản xuất từ giữa năm 2020 với công suất 50.000 xe/năm.
Lý giải cho việc tăng cường đầu tư vào Việt Nam, ông Lawrence Lee Jiunn Shyan cho rằng, thị trường ô tô Việt Nam dù đang biến động nhưng vẫn rất tiềm năng. Hiện nay, chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam còn cao hơn Thái Lan và Indonesia nhưng một khi dung lượng thị trường lớn lên thì sức cạnh tranh sẽ tốt hơn. Đáng chú ý là tại Việt Nam, chi phí "mềm" như nhân công, điện, nước khá cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Đây cũng là lợi thế giúp giảm chi phí đầu vào - một trong những yếu tố để nhà sản xuất cân nhắc việc đầu tư.
Tương tự, liên doanh đến từ Hàn Quốc là Hyundai Thành Công cũng đang có kế hoạch tăng đầu tư tại Việt Nam. Lãnh đạo Hyundai Thành Công cho biết nhà máy Hyundai Thành Công tại Ninh Bình đặt mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà sẽ xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Xoay chuyển theo chính sách
Năm 2018, thị trường ô tô liên tục biến động khi xe nhập khẩu không thể về Việt Nam do vướng các quy định mới, và đây chính là cơ hội để xe lắp ráp trong nước tăng trưởng. Theo số liệu từ các DN FDI như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, Suzuki Việt Nam, sản lượng tiêu thụ của xe lắp ráp trong nước tăng vọt trong 8 tháng đầu năm 2018.
Chẳng hạn như Toyota Việt Nam, 7 tháng qua đã bán được 29.692 xe, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2017. Thậm chí, một số mẫu xe như Vios, Innova, Camry, Corolla Altis đã tăng đến 50%.
Tương tự, Ford Việt Nam đang lắp ráp 4 mẫu xe, gồm EcoSport, Focus, Fiesta và Transit. Theo ông Phạm Văn Dũng - Tổng giám đốc Ford Việt Nam, xe lắp ráp của Ford Việt Nam đều tăng trưởng tốt khi các dòng xe nhập khẩu chưa được khai thông.
Theo tính toán của các nhà đầu tư, hiện nay số người sở hữu ô tô tại Việt Nam vẫn còn quá ít. Trong 1.000 người Việt Nam mới chỉ có 16 người có xe riêng. Tỷ lệ này còn quá thấp so với các nước trong khu vực (Malaysia là 341 xe/1.000 dân, Thái Lan 196 xe/1.000 dân, Indonesia 55 xe/1.000 dân). Số lượng người sở hữu xe ô tô ít cũng đồng nghĩa với việc còn rất nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô.
Ông Choi Duk Jun - Tổng giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam cho biết, năm 2017 Công ty bán được hơn 6.000 xe, tăng 37% so với năm 2017. 7 tháng đầu năm 2018 đã có 3.562 xe Mercedes-Benz được giao đến khách hàng. Điều đáng nói là số lượng tiêu thụ của xe lắp ráp trong nước tăng mạnh so với xe nhập khẩu.
Nếu như năm 2016, tỷ lệ giữa xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước là 30/70, đến năm 2017 là 20/80 thì từ đầu năm đến nay, xe nhập khẩu chỉ còn 10% trong tổng lượng xe thương hiệu này bán ra thị trường. "Hiện nay, chất lượng giữa xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước của Mercedes-Benz là như nhau. Vì vậy, khách hàng lựa chọn thế nào là tùy sở thích" - ông Choi Duk Jun nói.
Theo giới phân tích, xe lắp ráp và hãng lắp ráp là đối tượng ưu tiên của Chính phủ nhằm tiếp tục xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Thực hiện chiến lược này, Chính phủ đang tìm cách tháo gỡ để thị trường xe hơi không biến thành "sân chơi" cho xe nhập khẩu. Thấy rõ nhất là hai nghị định về quản lý xe nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu.
Một mặt, Nghị định 116 (có hiệu lực từ đầu năm 2018) siết chặt hơn đối với ô tô nguyên chiếc bằng yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô (VTA) và quy định về kiểm định xe theo lô, Nghị định 125 mở cơ hội cho các DN duy trì sản xuất xe lắp ráp bằng việc áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với một nhóm linh kiện và cụm linh kiện.
Những tưởng thuế nhập khẩu trong nội khối ASEAN về 0% sẽ là cơ hội cho xe nhập, vì thế một số hãng xe đã thu hẹp sản xuất, chuyển hướng kinh doanh. Thế nhưng, Nghị định 116 đã bóp chặt đường về của xe nhập khẩu nguyên chiếc, và vì thế kế hoạch xe nhập khẩu của những DN này đã gặp trở ngại.
Trong khi đó, Nghị định 125 ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện đã giúp các DN như Thaco (với hai thương hiệu lắp ráp là Mazda và Kia) thuận lợi hơn trong kinh doanh nhằm hướng đến mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô nội địa. "Chính phủ có những chính sách hỗ trợ để Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghiệp ô tô phát triển. Vì thế, nhiều hãng xe xoay chuyển hoạt động theo hướng này cũng là điều dễ hiểu", lãnh đạo của một DN FDI chia sẻ.