Doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động: “Bài toán” cần lời giải


Tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn khiến 201doanh nghiệp tỉnh Gia Lai phải giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động. Thực tế này đòi hỏi các cấp, các ngành cần có các giải pháp mạnh mẽ, mang tính căn cơ để “tiếp sức” cho doanh nghiệp duy trì hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh.

Sơ chế cà phê tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang-Gia Lai. Ảnh: H.D
Sơ chế cà phê tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang-Gia Lai. Ảnh: H.D

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, năm 2023, toàn tỉnh có 970 doanh nghiệp đăng ký thành lập và gia nhập thị trường với tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 9.850 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2022. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 9.364 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 146.931 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh số doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 thì cũng đã có 114 doanh nghiệp tỉnh Gia Lai giải thể và 201 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. Năm 2022, toàn tỉnh cũng có 210 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 105 doanh nghiệp giải thể và rút lui khỏi thị trường.

Ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai) cho biết: “Trong năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực do ảnh hưởng của suy giảm nền kinh tế. Cơ hội khởi nghiệp của các doanh nghiệp thành lập mới gặp rất nhiều khó khăn nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 đạt không cao.

Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và không phát sinh doanh thu, chiếm khoảng 42,5% số doanh nghiệp đăng ký. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 5.300 doanh nghiệp có phát sinh doanh thu”.

Theo Cục Thống kê tỉnh Gia Lai, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh cho thấy, xu hướng sản xuất kinh doanh từ quý IV-2023 khó khăn hơn so với quý III-2023; có đến 43,59% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn rơi vào các nhóm ngành chế biến gỗ, in ấn, sản xuất các sản phẩm phi kim loại; 28,21% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I-2024 tiếp tục kém đi so với quý IV-2023.

Ông Văn Tuấn Anh - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên An Gia (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cho rằng: “Doanh nghiệp vẫn luôn gặp khó khăn do thiếu vốn. Hiện nhiều đơn hàng bị cắt giảm, khó khăn trong tìm kiếm thị trường đầu ra, rồi các chi phí tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, dần dần rút lui khỏi thị trường”.

Tình trạng doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động không chỉ diễn ra tại Gia Lai mà là vấn đề chung của cả nước. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra cuối tháng 10/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trong 10 tháng năm 2023, cả nước có khoảng 146,5 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Đa số doanh nghiệp giải thể có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm, chiếm 68,6%), có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 86%).

Các doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ, mới thành lập, năng lực cạnh tranh thấp nên không chịu nổi quy luật cạnh tranh, thanh lọc, đào thải của thị trường... Thực tế này đòi hỏi cần có những giải pháp, chính sách phù hợp với “thể trạng” để doanh nghiệp có thể “hấp thụ” và vượt qua được giai đoạn khó khăn.

Theo kế hoạch, năm 2024, Gia Lai sẽ phát triển thêm 1.050 doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu này, ông Phùng Văn Phước cho hay: “Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ kịp thời thực hiện và áp dụng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp thành lập mới để khởi nghiệp.

Gia Lai đang triển khai nhiều giải pháp để "tiếp sức" cho doanh nghiệp hoạt động ổn định. Ảnh: Hà Duy
Gia Lai đang triển khai nhiều giải pháp để "tiếp sức" cho doanh nghiệp hoạt động ổn định. Ảnh: Hà Duy

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động, dịch vụ công về đăng ký kinh doanh và tư vấn, hỗ trợ miễn phí về thủ tục hồ sơ thành lập mới doanh nghiệp; hướng dẫn và triển khai việc đăng ký doanh nghiệp qua mạng và qua dịch vụ bưu chính. Triển khai cụ thể và hiệu quả các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Tham mưu UBND tỉnh Gia Lai tổ chức gặp mặt doanh nghiệp để trao đổi, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Phối hợp với UBND cấp huyện hướng dẫn, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp”.

Cùng với đó, để “tiếp sức” cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp thành lập mới để khởi nghiệp; đưa chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp vào nội dung định kỳ đánh giá hàng tháng của địa phương.

Cục Thuế tỉnh Gia Lai được UBND tỉnh giao trách nhiệm tăng cường gắn kết với các đơn vị đại lý thuế, tư vấn thuế tuyên truyền những chính sách có lợi khi thành lập doanh nghiệp; hỗ trợ, tư vấn và giúp đỡ doanh nghiệp về chế độ sổ sách kế toán thuận lợi; triển khai thực hiện tốt, kịp thời các chính sách về miễn, giảm thuế môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ chế độ kế toán…

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Gia Lai chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện tất cả các chính sách ưu đãi về tín dụng đối với các doanh nghiệp mới thành lập.

Theo Hà Duy/ Báo Gia Lai