Doanh nghiệp gỗ tạo sức mạnh "bó đũa" ứng phó phòng vệ


Trước tần suất xuất hiện các vụ kiện phòng vệ thương mại từ thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã tạo sức mạnh "bó đũa" để ứng phó.

Doanh nghiệp gỗ đã chủ động hơn trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: TTXVN
Doanh nghiệp gỗ đã chủ động hơn trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: TTXVN

Tần suất xuất hiện các vụ kiện phòng vệ thương mại ngày càng nhiều

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam trong những năm gần đây đã có bước phát triển mạnh mẽ.

10-15 năm trở lại, Việt Nam đã vươn lên trở thành trung tâm chế biến gỗ lớn, có thứ hạng trên thế giới, trong đó đồ gỗ nội ngoại thất chúng ta đã vươn lên thứ hai sau Trung Quốc. Năm 2024, gỗ và các loại lâm sản khác là ngành hàng xuất khẩu đứng thứ 6 ở Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 17,3 tỷ USD, tăng trên 20% so với năm 2023.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, do Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm cung ứng sản phẩm gỗ hàng đầu trên thế giới với tốc độ tăng trưởng cao, sản phẩm gỗ Việt đã phải đối diện nguy cơ bị điều tra áp các loại thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và chống lẫn tránh thuế.

Mặc dù là ngành đi sau trong việc đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại nhưng hiện nay số vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm gỗ đang gia tăng cao. Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, vào năm 2015, ngành gỗ đã có sự “đụng độ” đầu tiên với vụ điều tra chống bán phá giá từ thị trường có kim ngạch xuất khẩu thấp đó là Thổ Nhĩ Kỳ và mặt hàng giá trị không cao đó là gỗ dán. Tuy nhiên, càng về sau, tần suất xuất hiện các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với gỗ và sản phẩm gỗ ngày càng nhiều.

Đặc biệt, theo ông Ngô Sỹ Hoài, thị trường Hoa Kỳ chiếm gần 57% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Vì vậy, “việc bỏ trứng vào một giỏ quá nhiều, điều này dẫn tới tần suất xuất hiện các vụ kiện phòng vệ thương mại ngày càng nhiều từ thị trường này, cũng như rủi ro bị kiện rất đáng quan ngại”- ông Hoài nói.

Ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh, “trong họa có phúc”, trước việc dồn dập đương đầu các vụ kiện phòng vệ thương mại, nhu cầu tập hợp lực lượng để ứng phó các vụ kiện từ doanh nghiệp trong ngành gỗ cũng đã có cơ hội thay đổi. “Trước đây, chúng tôi vận động doanh nghiệp vào hiệp hội rất khó, nhưng từ khi xuất hiện các vụ kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp chủ động đăng ký nhằm tạo sức mạnh “bó đũa” ứng phó với điều tra phòng vệ thương mại”- ông Hoài cho hay.

Doanh nghiệp tiếp tục cần sự đồng hành từ cơ quan chức năng

Thời gian qua, trước sự gia tăng điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường nước ngoài, ông Ngô Sỹ Hoài cho biết, cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ cơ quan chức năng trong đó có Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Phòng vệ thương mại, qua đó đã giúp doanh nghiệp gỗ vượt qua một số vụ kiện, điều tra, phòng vệ thương mại tạo ra tình thế với kết quả tốt.

Với sự đồng hành của Cục Phòng vệ thương mại, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và các doanh nghiệp gỗ Việt đã chuẩn bị tâm thế để ứng phó với việc các thị trường, đặc biệt là Hoa Kỳ khởi xướng điều tra để áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại. Như: Tăng cường thực hiện hệ thống trách nhiệm giải trình (DDS), quản trị minh bạch chuỗi cung ứng, ứng dụng phần mềm kế toán hiện đại đảm bảo truy xuất nguồn gốc nguyên/vật liệu đầu vào; cải thiện năng lực phòng vệ thương mại thông qua tập huấn các kỹ năng/kỹ thuật cần thiết (mở tài khoản access, trả lời bảng hỏi, bình luận, bình luận phản kháng, điều trần...);

Đồng thời, nghiên cứu và có giải pháp tránh các kịch bản có thể bị áp đặt thuế lẩn tránh, đảm bảo yêu cầu xuất xứ đối với các sản phẩm xuất khẩu. Thúc đẩy quan hệ với các đối tác thương mại của thị trường đến để tránh rủi ro bị điều tra và áp đặt thuế, đảm bảo tình thế "win-win" đôi bên không bị thiệt hại. Các doanh nghiệp hội viên tăng cường tập hợp trong hiệp hội ngành hàng, đảm bảo chia sẻ thông tin, thống nhất hành động (trả lời bảng hỏi, phản biện, thuê luật sư...) vì lợi ích của doanh nghiệp và của cả cộng đồng gỗ Việt.

"Doanh nghiệp gỗ đánh giá rất cao sự đồng hành của Cục Phòng vệ thương mại trong đào tạo/tập huấn tăng cường năng lực cho doanh nghiệp gỗ, trợ giúp kỹ thuật phòng vệ thương mại, giao tiếp và phản biện ở cấp quốc gia khi có vụ việc", ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh.

Sau các vụ việc thành công, ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, ký kết các FTA, cải thiện quan hệ chính trị, ngoại giao kinh tế và đối tác thương mại với các thị trường lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ có vai trò rất quan trọng, hạn chế rủi ro và thiệt hại từ các biện pháp phòng vệ thương mại, thậm chí có biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, từ các thị trường đích đến của sản phẩm gỗ Việt.

Mặt khác, từ kinh nghiệm của ngành gỗ, theo ông Ngô Sỹ Hoài, trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại doanh nghiệp không thể đứng riêng lẻ mà cần tập hợp lại, tạo sức mạnh “bó đũa” để ứng phó hiệu quả. "Chúng ta không thể phó mặc tất cả vụ việc cho luật sư xử lý, bởi không ít trường hợp “tiền mất tật mang”, ông Hoài nói.

Đánh giá năng lực ứng phó điều tra phòng vệ thương mại của doanh nghiệp ngành gỗ đã được cải thiện, tuy vậy, ông Ngô Sỹ Hoài cũng thừa nhận thực tế nhiều doanh nghiệp ngành gỗ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nguồn lực hạn chế và còn thiếu kinh nghiệm “trận mạc” khi ra thị trường quốc tế.

Do vậy, thời gian tới, ông Ngô Sỹ Hoài kiến nghị, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam rất cần tiếp tục nhận được sự trợ giúp từ cơ quan chức năng, nhất là từ Bộ Công Thương, cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài trước các xu hướng bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tăng cường sử dụng biện pháp về phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu. Qua đó, góp sức để xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục gặt hái những thành công mới.

Thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong nước trong các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài. Đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm để có biện pháp cần thiết hạn chế thiệt hại từ các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Báo Công thương