Nâng cao năng suất, chất lượng: “Chìa khóa” giúp ngành gỗ bứt tốc
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã và đang có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh. Theo các chuyên gia, cần tận dụng tốt thuận lợi từ thị trường, gia tăng tính cạnh tranh từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Xuất siêu 8,8 tỷ USD sang Mỹ
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, dự báo năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 16,2 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 9 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 230 triệu USD. Như vậy, tính riêng thị trường Mỹ, ngành Gỗ Việt đã xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD. "Điều này cho thấy Mỹ là thị trường chủ lực và quan trọng hàng đầu của ngành Gỗ Việt", ông Lập nhấn mạnh.
Điểm đáng chú ý là thị trường Mỹ có thể có những thay đổi rất lớn trong thời gian tới. Những thay đổi này có thể được tạo ra do chính sách thuế mới được Chính phủ Mỹ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu trong tương lai.
Trung Quốc, Mexico và Việt Nam lần lượt là 3 quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ. Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ đưa ra mức thuế 60% đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 15 - 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Ông Lập đánh giá, với sự thay đổi chính sách sắp tới của thị trường Mỹ dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump, Việt Nam nói chung và ngành Gỗ nói riêng có thể được hưởng lợi từ mức thuế cao của Mỹ áp dụng đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt khâu nhập khẩu và đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam, Việt Nam có thể chịu các tác động tiêu cực.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể áp dụng các mức thuế mới đối với hàng hóa từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng gỗ. Ông Lập băn khoăn, điều này sẽ gây ra các khó khăn trong khâu xuất khẩu và tác động tới sản xuất.
Doanh nghiệp cần tăng tốc nâng cao năng suất, chất lượng
Theo ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên, quản lý Chương trình chính sách công và môi trường, Đại học Indiana (Mỹ), thời gian tới, khả năng gia tăng xuất khẩu vào Mỹ của ngành Gỗ Việt còn khá lớn.
Cơ hội gia tăng xuất khẩu sang Mỹ nhờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung rất cao. Nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Trung Quốc sẽ giảm và Mỹ phải nhập nguồn hàng thay thế từ các thị trường khác.
Tuy nhiên, Việt Nam cần đặc biệt tránh trường hợp bị áp thuế cao hơn các nước còn, lại ngoài Trung Quốc. ngành Gỗ cần chú ý đảm bảo các vấn đề về nguồn gốc gỗ hợp pháp, bảo đảm môi trường.
Theo vị chuyên gia này, các doanh nghiệp ngành Gỗ cần thích ứng với các yêu cầu mới từ chính sách của Mỹ, tăng cường đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, điển hình như phương pháp sản xuất tinh gọn (Lean) giúp nâng cao năng suất, chất lượng là giải pháp quan trọng giúp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ bứt phá thời gian tới.
Thời gian qua, khá nhiều doanh nghiệp ngành Gỗ đã áp dụng Lean và thu về kết quả tốt, điển hình như Trường Thành, Imiti, Vạn Huệ, Đạt mới, Hoằng Dũ… Cơ cấu tổ chức của các doanh nghiệp không chỉ hướng ưu tiên vào gia tăng năng suất, chất lượng, giảm lãng phí mà còn tập trung vào sản xuất để đạt được số lượng sản phẩm, đạt được hạn giao hàng.
Với nhiều doanh nghiệp ngành Gỗ khác, áp dụng Lean đã giúp tăng năng suất lao động của mỗi công đoạn từ 10 - 25%.
Có nhiều bài học được đúc kết ra từ hoạt động sản xuất thực tế của doanh nghiệp. Theo đó, sự tham gia của ban giám đốc doanh nghiệp trong việc chỉ đạo áp dụng là những yếu tố then chốt quyết định sự thành công khi áp dụng Lean. Bên cạnh đó, các cấp quản lý trong doanh nghiệp cần kiên trì theo đuổi và quan tâm học hỏi những vấn đề mới liên quan đến năng suất, chất lượng để hỗ trợ hiệu quả cho công việc hiện tại và trong tương lai sau này.
Trong quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc, việc hỗ trợ của chuyên gia tư vấn đóng vai trò quan trọng trong thành công của doanh nghiệp...