Doanh nghiệp mở rộng các điểm bán lẻ đa kênh phục vụ khách hàng


Việt Nam đang được đánh giá là một trong những thị trường “màu mỡ” của ngành bán lẻ không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế. Nhiều doanh nghiệp ở thời điểm này cũng đang liên tục thiết lập các mô hình buôn bán đa kênh để nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng sau dịch COVID-19.

Liên tục tăng trưởng

Thực tế, mô hình bán lẻ đa kênh đang là xu hướng được nhiều “đại gia” bán lẻ theo đuổi. Nửa đầu năm, The CrownX - nền tảng tiêu dùng, bán lẻ tích hợp WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH) vừa công bố đạt 26.092 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 2% so với nửa đầu năm ngoái.

Riêng mảng siêu thị, doanh thu WCM đạt 14.305 tỷ đồng, giảm 1,1% và EBITDA đạt 315 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, WCM cũng đã khai trương 5 siêu thị WinMart và 301 siêu thị mini WinMart+, nâng tổng số siêu thị WinMart lên 127 và WinMart+ lên 2.873 điểm bán. Lên kế hoạch cho nửa cuối năm 2022, Masan dự kiến mở mới thêm 800 cửa hàng siêu thị nhằm mở rộng mạng lưới bán lẻ, trong đó có hơn 100 cửa hàng đi theo mô hình nhượng quyền.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay trên thế giới, các cửa hàng của những thương hiệu lớn không đơn giản chỉ là nơi trưng bày hàng hoá mà còn được đầu tư công nghệ nhằm tăng thêm tính trải nghiệm cho người dùng, cung cấp thông tin về xu hướng, màu sắc… Vì thế các nhà đầu tư cần nắm bắt, tạo những câu chuyện hấp dẫn mà người tiêu dùng sẽ luôn nhớ đến và hào hứng hơn khi trải nghiệm.

Theo bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam tại miền Bắc, nhiều kênh bán lẻ hiện đại đã đạt mức tăng trưởng lên tới 13% với 7.012 cửa hàng, trong đó có 4.541 minimart và cửa hàng đồ ăn, điều này cho thấy sự chuyển dịch về xu hướng bán hàng trong những năm tới. 

Xu hướng tích hợp, tăng trải nghiệm cho khách hàng 

Bán hàng đa kênh được xem là chiến lược kinh doanh hiệu quả trong thời đại 4.0, hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp trong việc thu hút khách hàng và nắm bắt thị trường.

Cụ thể, mô hình tích hợp này đang được nhiều doanh nghiệp bán lẻ áp dụng chuyển đổi và thu lãi lớn như SM Prime (SM Prime Holdings), Central Pattana (Central Pattana Public Co), Vincom Retail (VRE)... với biên lãi gộp lên đến 25-26%.

Bà Rebecca Pearson - Phó Giám đốc phụ trách bán lẻ CBRE Châu Á nhận định, mặc dù thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ nhưng người tiêu dùng vẫn thích được trải nghiệm thực tế sản phẩm, đó cũng là lý do rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã đẩy mạnh cả việc bán hàng qua thương mại điện tử lẫn xây dựng cửa hàng trải nghiệm thực tế, bán hàng đa kênh để phục vụ người tiêu dùng. 

Tại Việt Nam, theo bà Rebecca Pearson, nếu doanh nghiệp muốn tiếp cận khách hàng tốt cũng phải bắt kịp xu hướng này nhằm đảm bảo cho người dùng có trải nghiệm tốt hơn.

Theo ông Vũ Đăng Vinh - Tổng Giám đốc Vietnam Report, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn được các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp trong ngành này đánh giá lạc quan về triển vọng phát triển với một số xu hướng chủ đạo như bán hàng đa kênh, tích hợp chặt chẽ từ trực tuyến đến trực tiếp. Kết quả khảo sát hành vi tiêu dùng cũng do Vietnam Report tiến hành cho thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua, người tiêu dùng đã có xu hướng chuyển đổi kênh mua sắm đối với nhóm các sản phẩm nhu cầu thiết yếu và không thiết yếu.

Nắm bắt được hành vi tiêu dùng này, các nhà bán lẻ tại Việt Nam hiện đang tập trung khai thác sâu các kênh trực tuyến, các tiện ích (app) bán hàng, đồng thời tận dụng các kênh giao hàng để thúc đẩy việc tích hợp đa kênh, phương tiện trong thương mại điện tử. Nhờ sự chuyển đổi kịp thời, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã tăng trưởng doanh số bán hàng qua kênh online, offline từ 100 - 200%, nhất là ở thị trường Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Theo Thu Giang/laodong.vn