"Sức nóng" ngành bán lẻ có giúp hồi sinh thị trường mặt bằng bán lẻ?
Dự đoán mới đây cho thấy những vị trí mặt bằng bán lẻ còn trống sau quý II/2022 sẽ nhanh được lấp đầy trong thời gian tới. Sự cạnh tranh gắt gao của ngành bán lẻ Việt vào thời điểm này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường mặt bằng bán lẻ hồi sinh sau chuỗi ngày bị bỏ trống.
Theo báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield (C&W) Việt Nam, trong quý II/2022 vừa qua, thị trường mặt bằng bán lẻ ở TP. Hồ Chí Minh dần khôi phục sau chuỗi ngày bị bỏ trống, tỷ lệ trống được ghi nhận ở mức 5,1%, giảm 0,4% so với quý trước. Toàn TP. Hồ Chí Minh không có thêm nguồn cung bán lẻ mới trong quý, tổng nguồn cung vẫn ổn định ở mức khoảng 1,1 triệu m2.
Dự đoán sẽ nhanh được lấp đầy
C&W dự đoán những vị trí mặt bằng còn trống sẽ nhanh được lấp đầy bởi phần lớn các khách thuê trong ngành thời trang vẫn cần mở cửa hàng trưng bày để thu hút khách đến trải nghiệm.
Tính đến hết quý II/2022, giá chào thuê trung bình toàn thị trường mặt bằng bán lẻ ở TP. Hồ Chí Minh đạt 49 USD/m2/tháng, tăng 4% so với năm 2021. Đến cuối năm nay, ước tính có 98.000m2 trung tâm thương mại gia nhập khu Đông và Tây TP. Hồ Chí Minh.
Theo chuyên gia phân tích của C&W, những khách thuê có tình trạng tài chính tốt qua đợt dịch năm 2021 cũng luôn có nhu cầu tìm kiếm mặt bằng đẹp để mở rộng hoạt động kinh doanh. Điều này giúp các chủ nhà tự tin hơn và đang có kế hoạch giữ nguyên hoặc nâng cao giá thuê.
Trong quý II/2022, một loạt “đại gia” nước ngoài, đặc biệt là các nhà bán lẻ Nhật Bản, đã khai trương thêm cửa hàng hoặc thông báo kế hoạch mở rộng quy mô. Như cuối tháng 4/2022 vừa qua, Uniqlo đã tổ chức sự kiện khai trương cửa hàng mới rộng đến 3.000m2 tại Saigon Centre, thu hút đông đảo khách hàng đến tham dự và trải nghiệm.
Hay như một nhà bán lẻ của Nhật đang được giới trẻ ở Việt Nam ưa thích khác là Muji, tiếp tục thừa thắng xông lên với cửa hàng thứ 4 tại Cresent Mall quận 7, bên cạnh cửa hàng đầu tiên tại Tp.HCM và 2 cửa hàng tại Hà Nội.
Dù đi sau các thương hiệu bán lẻ Nhật khác nhưng nhà bán lẻ này vẫn nhìn thấy thị trường Việt nhiều dư địa phát triển. Ban lãnh đạo Muji khẳng định xem Việt Nam là một thị trường lớn tại khu vực Đông Nam Á, có mức tăng trưởng GDP cao.
Hoặc như Aeon cũng đã có kế hoạch mở rộng chuỗi bán lẻ quy mô nhỏ, lên đến 100 cửa hàng MaxValu vào cuối năm 2025, và tăng từ 6 trung tâm thương mại hiện tại lên 16 trung tâm thương mại tương lai.
Thay đổi để cạnh tranh
Nửa đầu năm 2022, Aeon Việt Nam tiếp tục đưa vào vận hành các siêu thị vừa và nhỏ thuộc chuỗi Aeon MaxValu, đánh dấu cột mốc cho giai đoạn tăng tốc mở mới chuỗi siêu thị này.
Các siêu thị Aeon MaxValu đều nhận được sự đón nhận tích cực của khách hàng khu vực nội đô, ghi nhận mức tăng trưởng trung bình 5-10% trong 6 tháng đầu năm 2022. Với phương châm “Min khoảng cách - Max trải nghiệm”, các siêu thị vừa và nhỏ này được phát triển với diện tích mặt bằng 300 – 500m2 tại các khu dân cư nội đô.
Có thể thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đã thu hút hầu hết tên tuổi bán lẻ đình đám đến từ Nhật Bản. Bởi lẽ, Việt Nam có thị trường gần 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh với khả năng sẵn sàng chi tiêu cho những sản phẩm có chất lượng, đã hấp dẫn các nhà bán lẻ Nhật đầu tư tìm kiếm cơ hội.
Không chỉ vậy, sau đại dịch COVID-19, đây là thời điểm chứng kiến sự cạnh tranh rất gắt gao giữa các nhà bán lẻ. Những thay đổi của người tiêu dùng buộc các nhà bán lẻ phải có những thay đổi nhanh chóng và họ sẽ liên tục thử nghiệm, ra mắt và đánh giá các mô hình bán lẻ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Lẽ đương nhiên, yếu tố mặt bằng sẽ đóng vai trò lớn trong việc thay đổi này.
Mặt khác, thị trường bán lẻ đã qua rồi thời thương hiệu nội hay ngoại, mà doanh nghiệp bán lẻ nào nhanh tay hơn và có chiến lược trong việc tập trung vào trải nghiệm của khách hàng sẽ giành chiến thắng. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp tăng thêm nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ ở những vị trí đắc địa.
Bên cạnh sự mở rộng của khối bán lẻ ngoại như trường hợp của các nhà bán lẻ Nhật Bản, theo đánh giá của chuyên gia C&W, một xu hướng mới đang nở rộ là việc hình thành hệ sinh thái đa ngành của các chủ đầu tư bất động sản nội địa, trong đó có ngành ăn uống và hàng tiêu dùng để cung cấp dịch vụ và sản phẩm thiết yếu cho khách hàng là cư dân, nhân viên văn phòng nội khu.
“Nhờ đó, thay vì để trống diện tích bán lẻ trong dự án và chờ khách thuê đến, chủ đầu tư giờ đây có thể tự lấp đầy và vận hành dãy nhà phố hoặc khối đế thương mại”, phía C&W nhận định.
Ngoài ra, cần thấy rằng mặt bằng bán lẻ vẫn có chỗ đứng không thể thay thế được trong mô hình bán lẻ đa kênh đang nở rộ như hiện nay. Bởi lẽ, tuy đã có thời gian làm quen với việc mua hàng trực tuyến (online), nhưng khách hàng Việt vẫn sẵn sàng đến cửa hàng để được trải nghiệm sản phẩm trực tiếp.
Điều này có thể thấy rõ đối với các nhà bán lẻ đã có chỗ đứng trên thị trường như Zara và H&M, vẫn đang chú trọng mở nhiều cửa hàng nhỏ phục vụ cư dân trong một khu vực bên cạnh duy trì cửa hàng flagship (cửa hàng lớn nhất và hiện đại nhất trong chuỗi bán lẻ) ở vị trí trung tâm để khẳng định thương hiệu và nâng cao trải nghiệm với khách hàng.