Doanh nghiệp mong muốn đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng

Theo Phương Liên/baochinhphu.vn

Doanh nghiệp (DN) mong muốn Quốc hội và Chính phủ cần đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế, sửa đổi một số đạo luật quan trọng, xem xét gia hạn và điều chỉnh Nghị quyết 42/2017/QH14.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội Mạc Quốc Anh bàn về chính sách hỗ trợ DN, hỗ trợ xúc tiến thương mại - Ảnh: VGP/Phương Liên
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội Mạc Quốc Anh bàn về chính sách hỗ trợ DN, hỗ trợ xúc tiến thương mại - Ảnh: VGP/Phương Liên

Tái cấu trúc gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Đó là một trong nhiều ý kiến được đưa ra tại Tọa đàm "Hợp tác và phát triển DN" do Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức. Đây là hoạt động đầu tiên của Kênh Hợp tác và phát triển DN (VIC) của ĐHQGHN vừa ra mắt vào chiều 30/6.

Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội; bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam; ông Mai Thế Cường, Đại diện của Ken Blanchard & Momenta Singapore tại Việt Nam; ông Đào Đình Khả, giảng viên Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN.

Tại tọa đàm, đại diện các DN có mặt cũng trao đổi, thảo luận các cơ hội hợp tác và phát triển về khoa học và công nghệ, đồng thời đưa ra các đề xuất đặt hàng với ĐHQGHN trong nghiên cứu các sản phẩm có khả năng ứng dụng vào thực tiễn của DN và đời sống xã hội. 

Bên cạnh đó, ĐHQGHN cũng đề nghị các DN cùng với nhà trường tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia.

Bàn về chính sách hỗ trợ DN, hỗ trợ xúc tiến thương mại, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội đã chỉ ra một số thách thức đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam trong bối cảnh hậu COVID-19. 

Với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng GDP bình quân từ 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2022, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã thông qua nhiều nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ để giúp các DN như: Chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí hỗ trợ DN; hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh; hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh.

Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị, giải pháp hỗ trợ DN và hoạt động xúc tiến thương mại. Theo đó, Quốc hội và Chính phủ cần đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế, sửa đổi một số đạo luật quan trọng, xem xét gia hạn và điều chỉnh Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng do Quốc hội ban hành.

Đồng thời, các cơ quan quản lý và địa phương cần triển khai đồng đều chính sách mới giúp mang lại hiệu quả cao. Cùng với đó, chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; tăng năng lực chống chịu đối với những rủi ro, tác động bên ngoài; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật quản lý hoạt động xúc tiến thương mại cần được hoàn thiện; nâng cao hiệu quả hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động tuyên truyền, dự báo xu hướng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển đa dạng các loại hình thương mại điện tử dựa trên nền tảng số hóa; tăng cường hỗ trợ tư vấn, xúc tiến nhằm thu hút các DN trong, ngoài nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ đa dạng, hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại.

Phần trăm điểm số quản trị công ty của Việt Nam vẫn thấp

Chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, đây chính là nền tảng của sự phát triển bền vững DN.

Bà Đinh Quỳnh Vân cho hay, môi trường kinh doanh đang đối mặt với thay đổi thường xuyên và nhiều rủi ro hơn. Để tăng trưởng bền vững, DN cần nhìn nhận rủi ro là một phần của kế hoạch kinh doanh, đồng thời xem đó là cách tạo ra giá trị khác biệt cho DN.

Tổng Giám đốc PwC Việt Nam đưa ra một số nhóm rủi ro hàng đầu tác động đến tăng trưởng của DN theo khảo sát CEO châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu năm 2021. Theo đó, có 6 nhóm rủi ro bao gồm: An ninh mạng, sức khỏe, biến động kinh tế vĩ mô, biến đổi khí hậu, mâu thuẫn địa chính trị và bất bình đẳng xã hội. Trong đó, rủi ro về sức khỏe có tác động lớn nhất tới hoạt động kinh doanh.

Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý và thể chế. Do đó, bà Đinh Quỳnh Vân cho rằng, các DN cần xây dựng văn hóa về quản trị DN, quản lý rủi ro và tuân thủ, phù hợp với các quy định pháp lý mà vẫn đảm bảo sự kết nối giữa các giá trị, quy tắc ứng xử và quá trình ra quyết định của mình. 

Mặc dù đã cải thiện chỉ số quản trị DN nhưng phần trăm điểm số quản trị công ty của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Có đến 1/3 DN gia đình và tư nhân Việt Nam chưa xây dựng khung quản trị rõ ràng. Do đó, các DN Việt Nam cần đẩy mạnh đào tạo về phát triển bền vững, đặc biệt là với ban lãnh đạo.

Trình bày tham luận "Phát triển lãnh đạo theo khung năng lực", ông Mai Thế Cường, đại diện của Ken Blanchard & Momenta Singapore tại Việt Nam chia sẻ, khung năng lực lãnh đạo thể hiện giá trị và bản tuyên bố về lãnh đạo của công ty. 

Giá trị này định hướng mọi hành vi thái độ trong công ty như một băng thông điều khiển mọi tình huống. Lãnh đạo thành công là người biết phát huy điểm mạnh, lấn át điểm yếu. Sự tự nhận thức là điểm cốt yếu cho sự thành công. Năng lực lãnh đạo quản lý trong DN có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống kiến thức, kinh nghiệm và các năng lực đặc thù theo từng vị trí việc làm, từng phòng ban.

Theo ông Mai Thế Cường, các yếu tố mang lại thành công bao gồm: Cam kết của lãnh đạo công ty, tinh thần làm chủ công việc trong toàn hệ thống, ghi chép việc thực hiện và đo lường kết quả ngay khi thực hiện, thiết lập các KPI sát với công việc.

Cùng với đó, lãnh đạo DN cần chủ động nắm bắt các cơ hội tạo đột phá về kết quả kinh doanh. Kiên định với mục tiêu ban đầu về phát triển năng lực lãnh đạo trong toàn tổ chức, từ đó giảm dần sự phụ thuộc vào tư vấn bên ngoài.