Doanh nghiệp bất động sản trở lại "đường đua" trái phiếu
Sau một tháng vắng bóng trên thị trường, các doanh nghiệp bất động sản đã trở lại "đường đua" trái phiếu trong tháng 5 và tăng tốc trong tháng 6.
Dữ liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tính tính từ đầu năm đến 24/6 giảm tới 30% so với cùng kỳ. Riêng những tháng gần đây, ngân hàng gần như “độc chiếm” kênh huy động vốn này.
Trở lại sôi động hơn sau một tháng "vắng bóng"
Điển hình, trong tháng 6, nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu về giá trị phát hành với 15.790 tỷ đồng: Techcombank phát hành nhiều nhất với 4.500 tỷ đồng, theo sau là BIDV với 4.460 tỷ đồng và MB với 2.730 tỷ đồng.
Nhóm các doanh nghiệp tài chính đứng thứ hai, phát hành 1.100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Trong đó, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (SMBC) chiếm phần lớn với 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm sau 3 đợt phát hành.
Báo cáo cho thấy, trong số doanh nghiệp công bố kết quả phát hành TPDN tháng 6/2022, ngoài sự “độc bá” của các ngân hàng, một số doanh nghiệp bất động sản cũng đã phát hành TPDN trở lại. Đơn cử như: Công ty CP Đầu tư và Bất động sản Hưng Lộc Phát công bố kết quả phát hành trong tháng 6 là 150 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ; hay như Công ty CP Đầu tư Nam Long công bố kết quả phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ...
Trước đó, trong tháng 4/2022, sau sự cố Tân Hoàng Minh, thị trường TPDN trong nước hoàn toàn vắng bóng trái phiếu bất động sản. Tuy nhiên, tháng 5/2022, doanh nghiệp bất động sản bắt đầu quay trở lại thị trường, nhưng ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu với 14.629 tỷ đồng, chiếm 60,68% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản xếp ở vị trí thứ hai khi phát hành 6.879 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 28,53% tổng giá trị phát hành.
Đơn cử như: Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Mỹ Phú phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào ngày 17/5/2022; Công ty Hội An Invest cũng tiến hành một số đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 5, huy động 300 tỷ đồng; Công ty cổ phần Bất động sản An Gia phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ngày 12/5; Công ty cổ phần Long Thành Riverside phát hành 105 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Đô thị Ân Phú 50 tỷ đồng...
Tính từ đầu năm đến ngày 24/6, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng đạt 8.996 tỷ đồng, giảm 6,14%, chiếm khoảng 6% tổng giá trị phát hành; giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 143.389 tỷ đồng, giảm gần 30%, chiếm 94% tổng giá trị phát hành.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được giao chuẩn bị nền tảng giao dịch TPDN riêng lẻ nhằm phát triển một thị trường thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro.
Doanh nghiệp tiếp tục "lách luật" để phát hành?
Trước đó, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Chính phủ liên quan đến thị trường TPDN. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 20 doanh nghiệp bất động sản vay nợ TPDN nhiều nhất trong năm 2021 với tổng số tiền lên đến hơn 100.000 tỷ đồng. Lãi vay TPDN của các doanh nghiệp này từ 8%/năm đến 12,9%/năm.
Đáng chú ý, trong nhóm doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về nợ vay TPDN trong năm vừa qua có nhiều "ông lớn" như: Công ty CP đầu tư và xây dựng Vạn Trường Phát, Công ty CP Osaka Garden, Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Mediterranena Revival Villas... Nhóm 5 doanh nghiệp đứng đầu phát hành TPDN trong năm 2021 đã huy động gần 7.000 tỷ đồng nợ vay TPDN để làm dự án bất động sản.
Theo một chuyên gia, lý do các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản chọn lựa kênh huy động vốn vay TPDN vì đây là kênh có thể huy động vốn lớn để làm dự án và lãi vay tính ra vẫn rẻ hơn lãi vay trung và dài hạn tại các ngân hàng thương mại.
Bộ Tài chính cho biết, để chào mời TPDN riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, nhiều công ty chứng khoán đã “lách luật” để “hô biến” nhiều nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hợp đồng mua kỳ hạn trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian 2-4 ngày. Tư vấn cho nhà đầu tư cá nhân không trực tiếp đứng tên mua TPDN riêng lẻ mà ký hợp đồng dân sự với công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đứng ra mua hộ.
Trong số 358 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ trong năm 2021, có tới 57 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trước khi phát hành, 45 doanh nghiệp có nợ vay lớn hơn 10 lần vốn chủ sở hữu, và 10 doanh nghiệp có nợ vay lớn hơn 5 lần vốn chủ sở hữu.
Có tình trạng doanh nghiệp này phát hành TPDN để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, lấy tiền cho doanh nghiệp khác vay, hoặc phát hành TPDN để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của các ngân hàng với một khách hàng, nhóm khách hàng.
Một số doanh nghiệp như Công ty CP tập đoàn APEC Group, Công ty CP tập đoàn Vset Group chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hay như trường hợp Công ty TNHH Ngôi Sao Việt, Công ty CP Cung điện Mùa Đông phát hành trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ khẩn trương thiết lập thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ, đưa tất cả TPDN riêng lẻ được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và được giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán. Việc này nhằm tăng tính minh bạch của thị trường và giám sát thị trường TPDN từ khâu phát hành đến giao dịch. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh tra, kiểm tra.