Doanh nghiệp ngoại cũng... về quê

Quỳnh Dung - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có thêm một thương hiệu ngoại tham gia. Tập đoàn quốc tế BlueFox của Nga đã chính thức cho biết sẽ triển khai mô hình bán lẻ theo phương thức đặt hàng qua bưu điện tại Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường mà doanh nghiệp (DN) này lựa chọn – khu vực nông thôn – lại khiến cả chuyên gia lẫn DN nội vừa băn khoăn vừa tò mò xem "làm thế nào để DN này thành công với lựa chọn của mình?".

Doanh nghiệp ngoại cũng... về quê
Phương thức bán hàng qua catalogue, chuyển hàng bằng hệ thống bưu điện của BlueFox đang bị đặt dấu hỏi về khả năng thành công. Nguồn: internet

Theo đại diện của BlueFox, DN này lựa chọn phương thức bán hàng là khách hàng sẽ gọi điện, hoặc gửi thư tới nhà cung cấp, sau khi đã chọn mua hàng qua catalogue, hàng sẽ được chuyển tới tận nhà của khách hàng qua đường bưu điện.

Đại diện của BlueFox nhận xét mô hình bán hàng này không mới, nhưng "khá hiệu quả ở những vùng nông thôn không có nhiều trung tâm mua sắm, internet hạn chế nhưng lại có hệ thống bưu điện hoạt động hiệu quả".

Người mới, khách cũ

Tuy nhiên, phát biểu này dường như quá tự tin, dù đối tượng khách BlueFox hướng tới hiện chiếm tới khoảng 70% dân số Việt Nam. Không rõ hệ thống bưu điện tại Nga hoạt động thế nào, nhưng thực tế hệ thống bưu điện khu vực nông thôn Việt Nam hiện khá đầy đủ, nhưng hiệu quả hoạt động đang là một dấu hỏi lớn.

BlueFox bắt buộc phải tìm cách đưa được hình ảnh hệ thống sản phẩm tới tay khách hàng nông thôn theo kiểu gửi thư thông qua các bưu tá, hoặc qua mạng internet. Và với "biên chế" nhân lực hiện tại của các điểm Bưu điện cấp xã của Việt Nam, chỉ nội việc đưa được 50% danh mục hàng hóa của BlueFox tới tay người dân đã khó khăn. Chưa tính tới việc phải tổ chức nhân lực tiếp nhận đơn đặt hàng, vận chuyển tới nhà người đặt hàng, thu tiền, xử lý các vấn đề liên quan tới bảo hành sản phẩm, khiếu nại người tiêu dùng….

Mặt khác, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện đã có đủ các hình thức bán hàng như chợ truyền thống, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, bán lẻ trực tuyến… Trong đó, khu vực nông thôn chủ yếu sử dụng hình thức bán lẻ qua chợ truyền thống và các cửa hàng nhỏ, gần đây có thêm cửa hàng tiện lợi.

Hiện không có nhiều nghiên cứu về thói quen tiêu dùng của người dân nông thôn. Tuy nhiên, về cơ bản có thể nhận thấy các cửa hàng nhỏ, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đóng vai trò cung cấp hàng hóa tiêu dùng phổ thông cho người dân nông thôn, hệ thống cửa hàng điện máy thị trấn, thị xã cung cấp các sản phẩm cao cấp hơn như máy nổ, ti vi, hàng điện máy…
Như vậy, đối với các mặt hàng tiêu dùng thông thường, BlueFox không "có cửa" cạnh tranh với hàng hóa tại các chợ truyền thống, do khu vực này thường là địa bàn kinh doanh của chính người dân nông thôn, nặng về "buôn tận gốc, bán tận ngọn", không phát sinh thêm chi phí quản lý.

Địa bàn hoạt động của BlueFox, do đó, thu hẹp lại trong mối liên kết với các DN phân phối hàng tại địa phương, qua hệ thống các cửa hàng tại thị trấn, thị xã… Nói cách khác, BlueFox phải cạnh tranh giành đại lý với các nhà bán lẻ, sản xuất khác để giành lấy, và sau đó là phụ thuộc vào hệ thống bán lẻ tại nông thôn. Vừa phải giành đại lý để tạo kênh bán hàng, vừa phải "cải tạo" thói quen tiêu dùng của người dân, BlueFox sẽ phải cùng lúc tiến hành hai hoạt động này, nếu muốn tồn tại trên thị trường nông thôn. Đó là yêu cầu dường như quá sức với DN ngoại này.

Các chuyên gia thường dùng từ "đổ bộ" để chỉ sự xuất hiện ồ ạt của các thương hiệu bán lẻ ngoại tại thị trường Việt Nam. Kiểu gọi tên có phần xuất phát từ tâm lý choáng váng, lo ngại ấy, vô tình bỏ qua quy luật rất tự nhiên của thị trường, đó là đào thải. Nói cách khác, DN ngoại vào nhiều thì cạnh tranh trên thị trường bán lẻ càng gay gắt, đương nhiên sẽ có DN chiến thắng, và sẽ có DN phải "rời sân", hay bị thôn tính.

Thanh lọc và đào thải

Tính đến nay, thị trường bán lẻ trong nước đã xuất hiện khá nhiều thương hiệu bán lẻ như Metro (thương hiệu trước kia của Đức đã bán cho DN Thái Lan), Big C (Pháp), Lotte (Hàn Quốc), Parkson (Malaysia), Aeon (Nhật Bản)… Đó là chưa tính tới sự xuất hiện "thầm lặng" của các nhà bán lẻ nước ngoài sử dụng hình thức bán lẻ trực tuyến.

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu như 10 năm trước DN bán lẻ ngoại đạt được khá nhiều thuận lợi về địa điểm, vị trí khi đầu tư vào Việt Nam, nay tình hình đã khác. Lotte, Parkson… đều phải thực hiện các gói đầu tư hàng trăm triệu USD để "có chân" trên thị trường bán lẻ, trong khi trước đó, Metro, BigC phần nào không gặp khó khăn này, khi quỹ đất và các ưu đãi luôn sẵn sàng dành cho họ.

Nói cách khác, khi sự ưu đãi mất đi, tương quan cạnh tranh cũng khác. Do vậy, trong 5 năm tới có thể ghi dấu sự rút lui khỏi thị trường Việt Nam của một vài thương hiệu bán lẻ ngoại. Đó là điều chưa nhiều chuyên gia nghĩ tới. Và cũng giải thích luôn vì sao BlueFox lại chọn giải pháp "về quê" khi đặt chân tới thị trường Việt Nam.

Khi thị trường các đô thị đã có dấu hiệu bão hòa các thương hiệu bán lẻ ngoại và nội địa, việc chen chân vào thị trường nông thôn lại có thể trở thành một giải pháp kinh doanh đem lại nhiều hi vọng lợi nhuận.

Các thương hiệu bán lẻ ngoại tại Việt Nam, đang hướng tới mô hình liên kết giữa các thương hiệu này với các nhà sản xuất của họ. Trong khi Metro, BigC xuất hiện nhưng chủ yếu khai thác các nguồn hàng truyền thống của DN nội, hay từ những sản phẩm trong nước chưa sản xuất được, thì các DN từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản mới xuất hiện gần đây đã thể hiện rõ ý định đưa nguồn hàng của họ vào Việt Nam.

Và cùng với lộ trình mở cửa thị trường theo các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết, điều đó thực sự tạo áp lực lớn lên nền sản xuất nội địa. Vì thế, thay vì đếm số lượng nhà bán lẻ ngoại xuất hiện tại Việt Nam, đã đến lúc quan sát phương thức duy trì nhà cung cấp của họ.

Thách thức lớn nhất hiện nay của chúng tôi là phải tập trung cho việc xây dựng lòng tin đối với khách hàng. Là mô hình kinh doanh đang thành công ở Nga, chúng tôi đã nghiên cứu và chọn ra vài thị trường để tập trung đầu tư dài hạn nên từng bước một, công ty sẽ xây dựng được niềm tin với tiêu dùng cũng như các đối tác của mình tại Việt Nam. Lễ trao giải thưởng 1 tỷ đồng vào ngày 26/12 sắp tới tại Tp.HCM cũng là cơ hội để BlueFox củng cố niềm tin này.

Ông Pierre Faucher, Tổng Giám đốc Công ty BlueFox Việt Nam