Doanh nghiệp Nhà nước đã có lãi sau cổ phần hóa

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Mặc dù quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước được Chính phủ đánh giá là chậm so với tiến độ đã đặt ra. Tuy nhiên, điều đáng mừng là các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển.

Doanh nghiệp Nhà nước đã có lãi sau cổ phần hóa
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vốn và lợi nhuận đều tăng

Chính phủ cho biết, qua báo cáo của 205 DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, gồm  19 TĐ,TCT, Công ty mẹ - con cổ phần và 186 công ty cổ phần độc lập trong năm 2013 cho thấy, các DN này đều có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển. Thậm chí, một số DN còn bắt đầu hoạt động có hiệu quả và bù đắp được lỗ lũy kế các năm trước.

Trong đó, tống tài sản theo báo cáo hợp nhất của các DN cổ phần năm 2013 là 215.015 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2012. Riêng khối TĐ,TCT, Công ty mẹ - con cổ phần là 183.490 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2012 và chiếm 52% tổng tài sản của các DN cổ phần. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 26% tổng tài sản.

Tổng số nợ phải trả của các DN này là 140.784 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 60% tổng số nợ phải trả.  Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 2,17 lần.

Cùng với đó, phần vốn chủ sở hữu của các toàn bộ số DN này năm 2013 đạt 64.738 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2012. Trong đó, vốn điều lệ của các DN cổ phần là 44.039 tỷ đồng (vốn nhà nước chiếm 90% vốn điều lệ). “Như vậy có thế thấy, các DN sau cổ phần hóa đều có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển”, Chính phủ nhận định.

Về tình hình kinh doanh, năm 2013, tổng doanh thu của các DN cổ phần đạt 337.334 tỷ đồng, tuy giảm 1% so với năm 2012, nhưng bù lại, lợi nhuận trước thuế tăng tới 6%, đạt 303 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 17,4%.

Đáng chú ý, sau quá trình tái cơ cấu, một số TĐ, TCT đã bắt đầu hoạt động có hiệu quả và bù đắp lỗ lũy kế của các năm trước, như Tổng công ty Cà phê Việt Nam đạt 402 tỷ đồng, Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam đạt 42 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2013, các DN cổ phần có tổng số thu nộp NSNN đạt 48.265 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2012. Trong đó, số thu nộp NSNN từ hoạt động kinh doanh XNK chiếm 54% tổng thu nộp NSNN của các DN cổ phần.

Quyết tâm đạt chỉ tiêu cổ phần hóa

Theo số liệu báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính, tính đến tháng 11/2014, đã có 90/108 tập đoàn, tổng công ty nhà nước được cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu. Hiện đã sắp xếp, cổ phần hóa được 126 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 107 doanh nghiệp, sáp nhập 12 doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong số 432 DN cổ phần hóa giai đoạn 2014-2015, đã có 348 DN thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa; 247 DN đang xác định giá trị DN; đã công bố giá trị 123 DN, dự kiến cả năm 2014 sẽ cổ phần hóa khoảng 200 DN.

Trong số các DN được phê duyệt phương án cổ phần hoá, có nhiều DN có quy mô lớn, có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực hoạt động , như Tập đoàn Dệt may Việt Nam giá trị thực tế DN gần 5 nghìn tỷ đồng, giá trị phần vốn nhà nước là hơn 4 nghìn tỷ đồng; vốn điều lệ sau khi phê duyệt phương án cổ phần hoá là 5 nghìn tỷ đồng.

Hay Tổng công ty Hàng không Việt Nam, giá trị thực tế DN là 57 nghìn tỷ đồng, giá trị phần vốn nhà nước là hơn 10 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ phê duyệt trong phương án cổ phần hoá là trên 14 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 10 Tổng công ty thuộc Bộ Giao thông vận tải, 04 cảng lớn (Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nha Trang) cũng đã được phê duyệ phương án cổ phần hóa.

Cùng với đó, việc thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) cũng đạt những kết quả khả quan, với tổng vốn đầu tư đã thoái là 2.415 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2013.

Cuối tuần trước, phát biểu trước các đối tác phát triển của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định Chính phủ sẽ tập trung đạt bằng được chỉ tiêu cổ phần hóa 432 DNNN không chỉ về số lượng mà còn giảm mạnh tỷ trọng vốn nhà nước trong các DN cổ phần hóa.

Để đạt được điều đó, cơ chế chính sách về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN liên tục được hoàn thiện theo hướng nâng cao chất lượng cổ phần hóa, ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Đồng thời, đẩv nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nghề kinh doanh chính, tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc phù hợp với năng lực quản lý, giám sát và quản trị, nâng cao năng lực quản trị DNNN theo hướng phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu DN nhằm đảm bảo tiến độ hiệu quả./.