Doanh nghiệp nhiều "đất vàng" dễ cổ phần hóa
Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa thành công, thu về lượng tiền lớn, đa phần là những doanh nghiệp nắm giữ nhiều khu đất vàng.
Những thương vụ IPO ồn ào
Những ngày cuối năm 2015, đầu năm 2016, sàn UpCOM đón nhận một tân binh là cổ phiếu VEF của Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam. Với giá chào sàn 10.100 đồng/cổ phần, chỉ sau 6 phiên giao dịch với 3 phiên tăng trần, VEF đã tăng mạnh lên 15.000 đồng/cổ phần với thanh khoản cao.
Cần nhắc lại, vào tháng 3/2015, khi VEF chính thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), chỉ có 3,8% khối lượng cổ phần được đấu giá thành công. Số cổ phần “ế” khi đó đã được Tập đoàn Vingroup - đối tác chiến lược đã sở hữu 80% cổ phần VEF, nhận chuyển nhượng toàn bộ, tương đương 9,42% vốn điều lệ của VEF.
Theo thông báo được Vingroup phát đi trước ngày đăng ký giao dịch của cổ phiếu VEF, việc mua thêm 9,42% cổ phần VEF không nằm trong kế hoạch ban đầu của Tập đoàn.
"Đây là một dự án đầu tư dài hơi, đòi hỏi cam kết tài chính và đầu tư lớn trong nhiều năm, nên việc chào bán số cổ phiếu này không những giúp Vingroup thu hút thêm các nhà đầu tư cùng tham gia đầu tư vào dự án, mà việc niêm yết cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán cũng nhằm đảm bảo tính minh bạch cho hoạt động của công ty", Vingroup cho biết.
Với động thái của Vingroup và diễn biến của cổ phiếu VEF, có thể thấy rằng, sau khi không mặn mà lắm với đợt IPO, nhà đầu tư đã hào hứng trở lại với cổ phiếu VEF. Bên cạnh lợi thế là mảnh đất vàng rộng gần 7 ha giữa quận Ba Đình, nhà đầu tư cũng thực sự thấy được chiến lược rõ ràng của VEF khi các thành viên HĐQT của VEF hiện tại phần lớn là các lãnh đạo cấp cao trong Vingroup.
Không chỉ Vingroup, thị trường tài chính năm 2015 cũng chứng kiến sự tham gia tích cực trong các thương vụ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ BRG Group. Đây là doanh nghiệp thâu tóm nhiều đất vàng nhất trong năm 2015. Thông qua công ty con và cổ đông chính của Tập đoàn, BRG Group đã trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 27% tại Công ty TNHH MTV Thăng Long GTC, 43% vốn tại Công ty TNHH MTV Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (OSC) và 39% tại Công ty TNHH MTV In Trần Phú.
Cả 3 doanh nghiệp này đều đang sở hữu những quỹ đất lớn tại các quận trung tâm Hà Nội và TP.HCM, Vũng Tàu…
Trong năm 2015, thị trường tài chính cũng chứng kiến những đợt đấu giá, thoái vốn nhà nước diễn ra khá ngoạn mục khác như BRG Group mua thành công 34,3% cổ phần tại Công ty cổ phần Intimex Việt Nam (sở hữu quyền sử dụng 2,57 triệu m2 đất), Tân Hoàng Minh đấu giá khu đất trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM (23 - Lê Duẩn, quận 1) hay mới đây nhất là thông tin Thaigroup mua 52% cổ phần tại Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên (sở hữu Khách sạn Kim Liên).
Một đại gia khác không thể không nhắc đến trong danh sách này là T&T Group của ông Đỗ Quang Hiển. Trong năm qua, bầu Hiển đã thâu tóm thành công 98% Cảng Quảng Ninh, 50% cổ phần tại Tổng công ty Rau quả Nông sản (Vegetexco) - doanh nghiệp sở hữu dự án khách sạn 3 sao tại 58 - Lý Thái Tổ (Hà Nội). Ngay trong tháng 1 này, bầu Hiển thông qua Vegetexco tiếp tục sở hữu 24,33% vốn điều lệ tại Bia Việt Hà - doanh nghiệp đang sở hữu quyền sử dụng hơn 20.000 m2 đất tại Hà Nội.
Cuộc chơi dành cho người sành sỏi
Câu chuyện tham gia cổ phần hóa - sở hữu quyền khai thác đất vàng tưởng chừng đơn giản nhưng chưa bao giờ là dễ dàng.
Đối với VEF, theo kế hoạch hậu cổ phần hóa, VEF sẽ triển khai dự án xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia quy mô nhất Việt Nam trên trục Nhật Tân - Nội Bài, trị giá ước tính 4.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, khu đất 148 - Giảng Võ mới được quyền chuyển đổi mục đích sử dụng và xây dựng dự án trung tâm thương mại.
Khó khăn không kém khi phải bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để sở hữu 52% cổ phần tại Khách sạn Kim Liên, nhưng nhà đầu tư chiến thắng trong cuộc đấu giá này cũng sẽ phải vất vả thương lượng được với các cổ đông lớn nếu muốn giành quyền khai thác khu đất vàng rộng 3,5 ha này, chưa kể các chi phí khác. Điều này khiến giới đầu tư đặt dấu hỏi về khả năng đem lại lợi nhuận của dự án này.
Đối với Tân Hoàng Minh, sau khi “thả” mức giá cao gấp 2,6 lần so với mức giá cao thứ 2 tại phiên đấu giá khu đất 23- Lê Duẩn,TP.HCM, công ty này đã có đơn đề nghị hủy kết quả cuộc đấu giá này, đồng thời tổ chức bán đấu giá lại vì cho rằng phương án đấu giá có sai phạm về bước giá. Tuy vậy, đến nay UBND TP.HCM vẫn chưa có câu trả lời chính thức cho Tân Hoàng Minh về vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Viết Thắng, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Phố Wall cho rằng, các nhà đầu tư tham gia những thương vụ cổ phần hóa, IPO đều đã nghiên cứu rất kỹ trước khi bỏ giá. “Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp muốn mua bằng được, do bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông”, ông Thắng nói.
Cùng với sự ấm lên của thị trường bất động sản, thị trường tài chính năm 2016 rất có thể sẽ chứng kiến thêm nhiều đợt cổ phần hóa liên quan tới đất vàng ồn ào không kém năm 2015.