Doanh nghiệp nội hào hứng với đề xuất bỏ trần quảng cáo
(Tài chính) Đại diện các Hiệp hội cho rằng, đề xuất tháo trần quảng cáo được Bộ Tài chính đưa ra gần đây có ý nghĩa lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mới thâm nhập thị trường.
Do đó, Thủ tướng vừa chấp thuận với đề xuất của Bộ Tài chính về việc bỏ quy định khống chế chi phí hoặc chỉ áp dụng đối với chi quảng cáo. Cơ quan này sẽ chủ trì phối hợp với đơn vị liên quan hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới.
Ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, khi đưa ra quy định áp trần chi phí quảng cáo, các nhà làm luật đưa ra lý lẽ là để bảo vệ doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông, điều này thực chất là can thiệp quá sâu vào hoạt động quyết định kinh doanh của họ và trong điều kiện hiện nay thì không phù hợp nữa.
Theo đó, việc tháo trần quảng cáo cũng sẽ không ảnh hưởng đến ngân sách vì thực tế Nhà nước vẫn thu được thuế của doanh nghiệp quảng cáo, hơn nữa còn tạo công ăn việc làm cho xã hội.
"Nói doanh nghiệp Việt thời gian qua không đủ sức cạnh tranh cũng là dễ hiểu. Doanh nghiệp bỏ tiền ra để đầu tư, quảng cáo xây dựng thương hiệu cho mình. Tuy nhiên, nhóm FDI đa số đã xây dựng thương hiệu từ lâu và rất mạnh rồi mới đến Việt Nam. Trong khi các công ty nội nhỏ hơn, lại mới gia nhập thị trường lại bị hạn chế việc giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thì sao đủ sức cạnh tranh", ông cho hay.
Đa số các ý kiến tại hội thảo có cùng quan điểm với ông Tiến khi cho rằng, việc hạn chế chi phí quảng cáo khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc giới thiệu sản phẩm, tăng trưởng doanh thu. Theo đại diện gần 20 Hiệp hội và VCCI, chi phí quảng cáo nên để doanh nghiệp được chủ động quyết định đầu tư bao nhiêu.
Bà Trần Thanh Hà - Phó tổng Thư ký kiêm Chánh văn phòng Hiệp hội Quảng cáo cho biết, theo quy định hiện hành, khái niệm quảng cáo được đề cập ở đây bao gồm quảng cáo, khuyến mại, tiếp tân, tài trợ, làm từ thiện... Nếu hạn chế mức trần như hiện nay thì thực sự rất khó khăn cho doanh nghiệp.
"Đặc biệt là trong thời gian ban đầu doanh nghiệp mới hoạt động hoặc sản phẩm mới ra thị trường là lúc họ cần quảng cáo nhất, doanh thu chưa có thì tại sao lại phải khống chế trần. Các nhà làm luật cần hiểu đúng về quảng cáo, là sợi dây để doanh nghiệp nối với người tiêu dùng giúp lưu thông hàng hóa", bà Hà nói,
Trong khi đó, với doanh nghiệp FDI, bà Hà cho rằng bên cạnh việc sẵn có một thương hiệu mạnh, chi phí quảng cáo họ cũng có thể giảm được bằng cách lách luật. "Ví dụ, để sản xuất một clip quảng cáo đôi khi mất tới 80% toàn bộ chi phí của một chương trình quảng cáo. Tuy nhiên, họ sản xuất clip này ở nước ngoài và khi về Việt Nam thì chỉ là thuê phương tiện phát sóng, truyền tải nên chi phí giảm rất nhiều", bà Hà lý giải.
Vương Ngọc Tuấn - Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho rằng, người tiêu dùng có quyền được tiếp cận các thông tin về sản phẩm, dịch vụ. Do đó, việc khống chế trần gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ, mới ra đời và cho chính người mua hàng.
"Tôi nghĩ không nên lo lắng về việc tăng chi phí quảng cáo sẽ làm tăng giá thành vì hiện nay cơ chế thị trường, doanh nghiệp phải tự tính toán để tiết kiệm chi phí, tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm khác", ông Tuấn cho hay.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng. Theo ông, doanh nghiệp sẽ tự biết điều tiết, cân đối các chi phí của mình. "Nếu quảng cáo mà không đạt được mục tiêu kinh tế thì chắc chắn họ cũng không bỏ tiền. Cơ quan quản lý không phải tính toán hộ doanh nghiệp điều này", chuyên gia này cho hay.
Ở góc độ cơ quan quản lý, theo ông Doanh, không nên tỏ ra quá lo lắng về việc ngân sách sẽ bị giảm. "Nếu doanh nghiệp sản xuất và công ty quảng cáo đều tăng được doanh thu, hoạt động hiệu quả hơn thì không có lý do gì tiền nộp thuế lại giảm", ông Doanh nói.