Doanh nghiệp nội vẫn lép vế

Theo hanoimoi.com.vn

(Tài chính) Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) đang vào giai đoạn nước rút thực hiện các hợp đồng để đạt kết quả xuất khẩu (XK) cao nhất. Đến thời điểm này, nhìn vào kim ngạch XK chung đã có thể an tâm về một kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại, cần phân tích để tìm biện pháp khắc phục và để thiết lập sự lành mạnh trong hoạt động thương mại…

 Doanh nghiệp nội vẫn lép vế
Kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay tăng cao chủ yếu nhờ sự đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn: hanoimoi.com.vn
Xét về cơ cấu hàng XK, đã xuất hiện những yếu tố rất đáng ghi nhận, như kim ngạch XK của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 17,7 tỷ USD, tăng 76,1% so với cùng kỳ. Đây là những sản phẩm mới của một vài DN đầu tư nước ngoài vừa đi vào sản xuất ở Việt Nam. Từ đó có thể nhận định, khi xác định rõ định hướng, gọi đúng đối tác giàu tiềm năng sẽ nhanh chóng đưa ra những sản phẩm phù hợp nhu cầu quốc tế và góp phần khiến kim ngạch XK cả nước tăng vọt sau một thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, giá trị hàng dệt may XK đạt 14,8 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ và là mức tăng khá cao trong số những mặt hàng XK truyền thống. Kết quả này rất đáng mừng bởi hàng dệt may vốn rất khó tăng trưởng, lại không có giá trị gia tăng cao đồng thời thường phải đối phó với tình trạng thiếu đơn hàng gia công.

Hơn nữa, một khi các DN dệt may hoạt động hiệu quả sẽ mang lại ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội, bởi đó là sự duy trì việc làm và thu nhập cho hàng chục vạn người lao động; từ đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên diện rộng. Các chuyên gia dự báo, kim ngạch XK mặt hàng này trong năm 2013 có thể vượt 1 tỷ USD so với chỉ tiêu ban đầu.

Một số mặt hàng khác như điện tử, máy tính, thủy sản, da giày... cũng duy trì kết quả tích cực, tiếp tục khẳng định được vị thế và thương hiệu trên thị trường quốc tế cũng như đóng góp thỏa đáng vào tổng kim ngạch XK cả nước nói chung. Trong khi đó, kim ngạch XK dầu thô, gạo, cao su và than đá đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế này cho thấy, quá trình tái cơ cấu và điều chỉnh lại mức độ XK những mặt hàng nói trên đang tiếp diễn. Nói cách khác, diễn biến trên cũng đồng thuận với những khuyến nghị của giới chuyên gia là cần giảm bớt tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng nguyên, nhiên liệu chiến lược hoặc lương thực để tăng khả năng dự phòng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Cảnh báo

Cùng với những kết quả đã đạt được, bức tranh XK vẫn tồn tại một vài mảng "chưa sáng" cần điều chỉnh càng sớm càng tốt. Một số DN dệt may đang chịu áp lực về vấn đề nguyên, phụ liệu do sự khan hiếm tạm thời cũng như xu hướng tăng giá đầu vào. Đây sẽ là thách thức lớn cho DN "nội", bởi đến nay DN vẫn phải nhập khẩu 70%, nên có thể phát sinh những tình huống khiến DN lúng túng khi thực hiện kế hoạch sản xuất, đặc biệt là bị động trước việc quyết định có chấp nhận ký hợp đồng làm hàng XK cho đối tác nước ngoài hay không.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, hoạt động XK gạo cũng nên tiết giảm hơn nữa để chủ động chia sẻ với nhu cầu tiêu dùng trong nước, tránh tình trạng dồn sức thu gom dành cho XK có thể làm đội giá bán trên thị trường nội địa.

Đáng lo ngại hơn cả tỷ trọng đóng góp của khối DN trong nước vào tổng kim ngạch XK ngày càng teo tóp, ngược lại với xu hướng ngày càng gia tăng của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện, DN trong nước chỉ còn chiếm 1/3 tổng kim ngạch, thể hiện sự lép vế cũng như chưa thể hiện được vai trò chủ đạo, dẫn hướng của mình đối với nền kinh tế.

Cơ cấu hàng XK của DN trong nước cũng lạc hậu, chậm được chuyển đổi và đến nay chủ yếu vẫn là nhóm hàng sơ chế, khoáng sản, nông thủy sản mà thiếu các loại sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao. Điều này đã xảy ra từ lâu, nhưng chưa được khắc phục đồng thời đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi. Vì thế, 10 tháng đầu năm, khu vực kinh tế trong nước đã nhập siêu 10,3 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn nước ngoài xuất siêu 10,1 tỷ USD.
 
Kim ngạch XK tháng 10 đạt 11,7 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, kim ngạch XK 10 tháng qua đạt 108 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ; gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 35,9 tỷ USD, tăng 3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 72,1 tỷ USD, tăng 22,3%.