Doanh nghiệp phải quản lý công nợ chặt chẽ
(Tài chính) Trong những ngày cận Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp đang ráo riết thu lượng tiền chậm thanh toán từ các bạn hàng, đối tác của mình. Tuy nhiên, sức mua của thị trường yếu, hàng hóa tồn kho nhiều nên không dễ thu hồi được khoản tiền này.
Trong thời gian vừa qua đã có nhiều tranh chấp mà một bên lợi dụng tiền vốn của bên kia để kinh doanh. Do thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài, nên một khi vướng vào tranh chấp, bên bị chiếm dụng vốn rất khó để nhanh chóng lấy lại tài sản.
Thực tế này có thể thấy rõ trong doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh bất động sản. Họ huy động vốn hoặc thu tiền trả trước của người mua nhà cho các công trình. Phương thức này đã được sử dụng từ nhiều năm trước, song do thị trường đang phát triển nóng nên người mua nhà vẫn tình nguyện thực hiện dù rủi ro có thể thấy rõ.
Nhưng thị trường bất động sản hiện đang trầm lắng, không bán được nhà ở trước khi thực hiện, nên chủ đầu tư đã chuyển số tiền đã thu được từ những dự án này sang công trình có áp lực hoàn thành cao hơn. Điều này khiến nhiều công trình có tiến độ thi công ì ạch, chậm bàn giao nhà ở. Bức xúc trước tình trạng này, người mua nhà ở một số dự án đã kiện chủ đầu tư ra tòa.
Không chỉ trong bất động sản, báo cáo tài chính năm 2013 của nhiều doanh nghiệp niêm yết tại hai sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp nợ đơn vị cung cấp hàng hóa ở mức cao. Ví dụ tỷ lệ doanh nghiệp khoáng sản, than đá nợ nhà cung cấp tăng từ 10% tới 25%, cá biệt có những trường hợp nợ tăng gấp 2 - 3 lần so với năm 2012.
Một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng trên đe, dưới búa khi mà vừa nợ nhà cung cấp, vừa khó khăn trong thu hồi nợ của khách hàng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp ngành y, dược - vốn là ngành thường có tỷ lệ nợ thấp, thì nay cũng có tỷ trọng nợ nhà cung cấp tương đối cao, lên tới 75% tổng nợ phải trả.
Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, khả năng thanh toán tức thời của doanh nghiệp bị hạn chế nên có thể không trả được nợ. Vấn đề ở đây là một doanh nghiệp chậm thu hồi được nợ có thể tạo hiệu ứng đô mi nô. Bởi họ không thu hồi được khoản tiền này nên cũng có thể không có tiền thanh toán cho bạn hàng, đối tác của mình. Vòng quay của việc các doanh nghiệp nợ lẫn nhau không biết đến đâu sẽ kết thúc.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh lưu thông hàng hóa, dòng tiền của mình, doanh nghiệp phải chấp nhận rủi ro khi cho phép ứng trước, chậm thanh toán hợp đồng. Nhưng, không đơn vị nào muốn bị rơi vào cảnh có số nợ quá hạn cao, khiến thiếu vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh, thậm chí, trường hợp xấu nhất có thể chính họ sẽ phải rời cuộc chơi trước khi thu hồi được nợ.
Vậy, giải pháp nào sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi chấp nhận phương thức kinh doanh này? Câu trả lời ở đây là phải quản lý công nợ, thay vì việc mải chạy theo các chỉ tiêu kinh doanh, chấp nhận bán hàng tràn lan, không sàng lọc khách hàng. Doanh nghiệp cần đánh giá, phân loại khách hàng thường xuyên để xác định phương thức giao dịch phù hợp, cũng như đưa ra mức chiết khấu hấp dẫn để khuyến khích thanh toán ngay.
Và có lẽ doanh nghiệp trong nước cũng nên học tập phương thức quản lý công nợ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: số tiền chậm thanh toán phải được bảo hiểm bởi một công ty bảo hiểm có năng lực tốt. Với phương pháp này, doanh nghiệp sẽ được công ty bảo hiểm khuyến cáo về khả năng thanh toán, khả năng tài chính, khả năng món nợ này có được bảo hiểm hay không... để có lựa chọn chính xác.
Với tình trạng kinh doanh khó khăn hiện nay, doanh nghiệp cần kịp thời nhận biết được tình hình để có chiến lược cơ cấu các khoản nợ một cách hợp lý. Ngoài ra, mỗi đơn vị có thể chủ động thương lượng với nhà cung cấp hoặc chủ nợ để cơ cấu các khoản nợ ngắn hạn sang dài hạn, giữ được niềm tin nơi nhà đầu tư hoặc nhà cung cấp về khả năng thanh toán của mình. Điều này sẽ giúp tránh được nguy cơ mất thanh khoản hoặc những rủi ro pháp lý không đáng có.