Doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh góp phần tăng thu ngân sách nhà nước

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, điểm mấu chốt giúp thu ngân sách nửa đầu năm nay đạt khá là nhờ sự hồi phục sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, để hoàn thành việc thu ngân sách theo kế hoạch, lãnh đạo các địa phương đều đặt nhiệm vụ ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh góp phần tăng thu ngân sách nhà nước
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực tế, trong các yếu tố giúp thu ngân sách vượt nửa kế hoạch 6 tháng qua, có yếu tố từ tăng giá dầu thô xuất khẩu, tăng truy thu nợ thuế, nhưng quan trọng nhất vẫn là nhờ sự phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Còn nhìn vào từng địa phương, kết thúc nửa đầu năm, những tỉnh có kinh tế sôi động đều vượt 50% kế hoạch, nhưng vượt không nhiều, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Lạng Sơn... Do đó, các địa phương đều xác định sẽ ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu.

Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm cuối năm của TP. Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Nguyễn Thị Hồng cho biết, thành phố sẽ tiếp tục gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, thị phần. Song song với đó là đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, bình ổn thị trường, đối thoại với doanh nghiệp. Các chương trình thương mại điện tử, kích cầu, hợp tác giữa Thành phố với các tỉnh miền Đông, tây Nam bộ… cũng sẽ được đẩy mạnh. Từ đó giúp vốn ngân hàng đến đúng đối tượng, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng lực, giảm chi phí, xúc tiến thị trường, giải quyết đầu ra cho hàng hóa.

Ngoài trọng tâm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết, sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan, giúp doanh nghiệp nhanh tiết kiệm chi phí và thời gian. Đặc biệt là đẩy nhanh áp dụng thông quan điện tử theo chương trình của Tổng cục Hải quan. Điều này được thể hiện khá rõ nét tại Lạng Sơn nửa đầu năm. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Văn Bình cho biết, mặc dù điều kiện khó khăn, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu vẫn diễn ra bình thường. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu; đồng thời thực hiện đề án thông quan điện tử nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 23% so với cùng kỳ. Từ đó, thu từ xuất nhập khẩu đã tăng so với Bộ Tài chính giao và tăng tới 44% so với cùng kỳ.

Nhìn lại một loạt kiến nghị của các địa phương với Bộ Tài chính, trong hội nghị sơ kết ngành tài chính 6 tháng đầu năm, có thể thấy, các địa phương kiến nghị nhiều về việc đẩy nhanh đưa Quỹ bảo lãnh tín dụng vào hoạt động. Bởi Quỹ này có vai trò hỗ trợ doanh nghiệp rất lớn trong việc tiếp cận vốn vay, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Theo Nghị định 28 của Chính phủ, nhiều địa phương đang thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng vốn rất hạn hẹp. Các tỉnh đều cố gắng trích từ ngân sách 30 tỷ đồng vào quỹ, nhưng chính doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại lại chưa mặn mà tham gia. 

Để Quỹ hoạt động hiệu quả, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Võ Duy Khương đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cần sớm hướng dẫn các ngân hàng thương mại tham gia Quỹ bảo lãnh; đồng thời không nên quy định cứng phải có tài sản bảo đảm mới cho bảo lãnh, vì doanh nghiệp cần bảo lãnh vốn rất khó khăn. Thay vào đó, nên cho vay tín chấp một phần, có thể từ 20 - 30% tổng số vốn vay bảo lãnh.

Với doanh nghiệp đang gặp khó khăn và chậm nộp thuế, ông Võ Duy Khương cho rằng, hiện mức phạt chậm nộp khá nặng. Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp nộp thuế chậm chịu phạt 0,05%/ngày trong 90 ngày đầu tiên, tương đương 18%/năm, cao gấp 3 lần mức huy động hiện nay của các ngân hàng. Nếu sau 90 ngày chưa nộp, mức phạt tăng lên 0,07%, tương đương 22,7%/năm. Hầu hết doanh nghiệp ở Đà Nẵng không nộp được gốc, chứ chưa nói đến tiền phạt. Do đó, nên sửa quy định trong Luật Quản lý thuế. Nếu chưa sửa được thì nên khoanh nợ và phần nộp chậm để giúp doanh nghiệp sản xuất có lãi rồi mới thu, không sẽ lâm vào tình trạng như Đà Nẵng, 1.300 doanh nghiệp vừa rồi giải thể thì mất luôn thuế và tiền phạt chậm nộp thuế cũng không thu được.