Doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội phát triển năm 2015
(Tài chính) Trong những tháng cuối năm, cộng đồng doanh nghiệp trong nước đã chứng kiến nhiều cải thiện về điều kiện kinh doanh từ luật pháp đến những thay đổi về thủ tục hành chính. Những điểm mới này chắc chắn sẽ mở ra triển vọng tốt cho sản xuất, kinh doanh trong năm 2015.
Điểm đặc biệt trong Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này là đã chỉ ra giới hạn của các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, thay vì chỉ cấm theo lĩnh vực như quy định trước đây. Với phụ lục gồm 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và quy định cụ thể về 5 ngành nghề cấm kinh doanh tại Luật Đầu tư, các cá nhân, doanh nghiệp giờ đây đã có thể thực hiện quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm đã được hiến định. Nếu so sánh về con số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và 9 lĩnh vực đầu tư có điều kiện được Luật Đầu tư cũ quy định, thì sẽ tưởng Luật Đầu tư (sửa đổi) mở rộng phạm vi ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng không phải như vậy, quy định rõ danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng có nghĩa các cơ quan quản lý sẽ không thể tự đặt ra điều kiện kinh doanh, trừ khi được Quốc hội chấp thuận bằng việc sửa đổi Luật Đầu tư. Việc sửa đổi luật phải theo một quy trình chặt chẽ và phải có đầy đủ lý lẽ mới có thể thuyết phục, không thể ban hành điều kiện kinh doanh cảm tính. Nói cách khác, sự thay đổi của chính sách sẽ không nhanh chóng, và phải tuân thủ theo quy trình, thủ tục chặt chẽ của pháp luật, nên doanh nghiệp có thể yên tâm và chủ động thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2014, nhiều doanh nghiệp đánh giá cao việc Luật Nhà ở (sửa đổi) đã có quy định cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế đã quy định miễn thuế cước theo các hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Theo đó, phần thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam sẽ không phải nộp thuế lần thứ hai khi chuyển về nước ta. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao việc bãi bỏ trần chi tiêu tiếp thị, quảng cáo được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp (trước đây là 15%). Theo các doanh nghiệp, phần chi phí kinh doanh này được khấu trừ khi tính thuế sẽ giúp doanh nghiệp có thể đầu tư mạnh hơn vào tiếp thị, quảng cáo sản phẩm, giúp hiểu khách hàng hơn, cũng như góp phần xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp cũng không phải nộp thuế tính trên lợi nhuận cho những khoản lợi nhuận chưa thực hiện được.
Không chỉ có những đổi mới từ luật pháp, các thủ tục hành chính cũng được nỗ lực thu gọn, đơn giản hóa. Cụ thể, sau gần 1 tháng triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng biển quốc tế, đến tháng 12.2014, thời gian thông quan hàng hóa đã giảm còn từ 3 ngày rưỡi đến 4 ngày. Trước kia, thời gian thông quan là 21 ngày, thì nay chỉ còn 17 - 18 ngày. Theo kế hoạch, từ tháng 6.2015 sẽ kết nối các thủ tục hành chính của các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế. Từ năm 2016, tiến hành mở rộng kết nối các thủ tục hành chính cấp phép đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của các bộ, ngành còn lại. Như vậy, thời gian thông quan của doanh nghiệp có triển vọng sẽ tiếp tục giảm, từ đó, đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển hàng hóa, giảm thời gian chờ nhận tiền thanh toán từ đối tác nước ngoài cho mỗi đơn vị.
Những quy định mới trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) được kỳ vọng là nền tảng pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bứt phá vươn lên. Đương nhiên, đây là điều kiện cần. Doanh nghiệp cần thêm nhiều quy định pháp luật khác để bảo đảm được cạnh tranh lành mạnh, được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền sản phẩm...
Ngay trong các luật vừa được Quốc hội thông qua, thì cộng đồng doanh nghiệp cũng mong chờ các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật sớm được ban hành để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống. Bởi Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định, thủ tục, quy trình cấp quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài sẽ do Chính phủ quy định và một số điều kiện sở hữu khác cũng đang chờ văn bản hướng dẫn. Hay như việc dỡ bỏ khống chế chi phí tiếp thị, quảng cáo được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, thì doanh nghiệp cũng mong muốn có quy định rõ về loại chi phí nào được chấp nhận, thay vì để cán bộ thuế được quyền tự quyết định các loại chi phí này, dễ tạo ra kẽ hở trong việc áp dụng pháp luật.
Năm 2014, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, kinh tế trong nước còn khó khăn, song nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành công. Đặc biệt, dù chịu sự cạnh tranh của nhiều nhà cung cấp khác trong khu vực, nước ta vẫn trở thành nhà cung cấp lớn nhất trong khối ASEAN cho thị trường Hoa Kỳ, với kim ngạch xuất khẩu lên đến 30 tỷ USD. Và ngay những tháng đầu năm 2015 này, theo kế hoạch nước ta cũng sẽ tiến hành ký kết 3 hiệp định thương mại tự do quan trọng với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan.
Như vậy, cùng với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Tất nhiên, muốn tận dụng được những thời cơ này thì doanh nghiệp cũng phải đổi mới để tiệm cận với những phương thức quản trị tiên tiến trên thế giới, nâng cao khả năng cạnh tranh, vì các ưu đãi trong hiệp định thương mại tự do luôn đi kèm theo điều kiện áp dụng chặt chẽ.