Doanh nghiệp tham gia mạng phân phối nước ngoài: Giải pháp phải đồng bộ

Theo Nguyễn Thủy/daibieunhandan.vn

Dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, việc tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Muốn đưa hàng vào hệ thống phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm chất lượng luôn ổn định.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thiếu đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh

Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam thường xuất khẩu qua nhiều đại lý, dẫn đến khó nắm bắt được tận gốc nhu cầu của người tiêu dùng. Cũng do xuất hàng qua đại lý nên không có sự bền vững, hàng hóa khó tiếp cận được với các thị trường khó tính. Hơn nữa, việc xuất qua đại lý khiến các doanh nghiệp không thể phát triển được thương hiệu.

Do đó, xuất khẩu trực tiếp qua các hệ thống phân phối hiện đại được coi là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả, bền vững được nhiều doanh nghiệp theo đuổi. Tuy nhiên, làm sao để tiếp cận hệ thống phân phối cũng như đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt ra thị trường thế giới là bài toán nan giải hiện nay.

Tại Hội thảo tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài diễn ra mới đây, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh đã chỉ ra rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh để có thể tiếp cận được với cơ hội xuất khẩu.

Doanh nghiệp có nhu cầu đi vào hệ thống rất nhiều nhưng để đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất còn rất hạn chế.

Thực tế qua một cuộc khảo sát đánh giá, bà Mai Anh cho biết, trong hàng chục doanh nghiệp với nhiều chủng loại sản phẩm cũng chỉ chọn được 6 sản phẩm, mặt hàng có đủ điều kiện để đưa vào hệ thống phân phối nước ngoài.

Lý giải nguyên nhân, bà Mai Anh khẳng định, khi triển khai chương trình tuần hàng, nhận thức và sự vào cuộc của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ thủ tục và quy định để đưa hàng vào các thị trường, lúng túng trong khâu giới thiệu và quảng bá hàng hoá, vì vậy việc giao thương, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Lực lượng tham gia chương trình chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư chưa cao; thiếu, yếu về chuyên môn, kỹ năng và khả năng tài chính nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà phân phối, từ đó gây ra tâm trạng chán nản, thậm chí nhiều doanh nghiệp từ bỏ ý định đưa sản phẩm ra nước ngoài.

Đại diện Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, mấu chốt để hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam vào được các hệ thống phân phối là chất lượng phải bảo đảm và ổn định, truy xuất được nguồn gốc.

Bởi có một thực tế là đa phần chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp không đồng đều và thiếu ổn định. Do đó, cần phải có giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ người sản xuất đáp ứng được các tiêu chuẩn do các hệ thống phân phối đặt ra.

Chuẩn bị kỹ, kết quả rõ ràng

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, có khoảng 10% doanh nghiệp khi tham gia vào hệ thống phân phối đã đạt được những kết quả rõ ràng. Đây là những doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh bài bản, lâu dài và chuẩn bị kỹ càng.

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh, để tiếp cận mạng phân phối và hợp tác xuất khẩu hiệu quả, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải có năng lực thực sự và chấp hành đúng các thủ tục, quy định. Do đó đào tạo, tập huấn là việc quan trọng giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về hệ thống phân phối cũng như nâng cao trình độ chuyên môn.

Cùng nỗ lực thực hiện Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh cho biết thời gian tới, Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, kết nối doanh nghiêp và cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về mạng phân phối nước ngoài để doanh nghiệp chủ động nắm bắt.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ là cầu nối giúp các nhà sản xuất và hệ thống phân phối gặp nhau, hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực sản xuất để tham gia kết nối với các hệ thống phân phối, đồng thời thúc đẩy các hệ thống phân phối nước ngoài đầu tư, tham gia chuỗi phân phối.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh góp ý thêm, các doanh nghiệp cũng cần phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng và tận dụng cơ hội, chuẩn bị những sản phẩm tốt nhất để giới thiệu ra thị trường thế giới.

Mỗi doanh nghiệp khi tham gia hệ thống phải tự ý thức trở thành đại sứ thương hiệu, quảng bá, mang thương hiệu Việt ra nước ngoài. Đứng ở góc độ là một nhà bán lẻ lớn ở Việt Nam, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Central Group Nick Reitmeier nhận thấy, song song với việc quảng bá sản phẩm, hỗ trợ phát triển thương hiệu là điều quan trọng.

Doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng các thương hiệu sản phẩm riêng của mình, tìm hiểu thị hiếu, xu hướng của khách hàng để có sản phẩm phù hợp. Cùng với đó, việc ứng dụng thương mại điện tử, sử dụng công nghệ, mở ra những những mô hình bán hàng mới sẽ góp phần thu hút khách hàng và quảng cáo được sản phẩm của doanh nghiệp.

Đại diện Central Group cũng cho biết, do các doanh nghiệp sản xuất nội địa chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về vốn nên Central Group sẽ phối hợp với ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp bán hàng cho Central Group tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng nhằm bảo đảm nguồn lực tài chính duy trì, ổn định sản xuất.