Doanh nghiệp thích vay ngoại tệ

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Tỷ giá ổn định, lãi suất hấp dẫn khiến nhiều doanh nghiệp đổ dồn vay ngoại tệ, trong khi tín dụng tiền đồng tăng trưởng ì ạch.

Doanh nghiệp thích vay ngoại tệ
Tín dụng ngoại tệ đang tăng mạnh. Nguồn: internet

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh cho biết tín dụng ngoại tệ đang có xu hướng tăng nhanh. Trong 5 tháng đầu năm 2014, huy động ngoại tệ trên địa bàn Thành phố giảm 7,37%, còn tín dụng tăng 9%, chủ yếu là cho vay các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khi đó tăng trưởng tín dụng tiền đồng cùng thời gian này chưa tới 1,3%.

Bên cạnh việc nhìn nhận tình hình xuất khẩu khởi sắc khiến nhu cầu ngoại tệ gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng  góp phần không nhỏ vào đà tăng trưởng đột biến này là hoạt động carry-trade của doanh nghiệp, họ vay vốn ngoại tệ rồi chuyển hóa thành tiền đồng để hưởng chênh lệch lãi suất.

Chủ tịch kiêm giám đốc một công ty thép tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TP. Hồ Chí Minh tính toán vay USD thời điểm này rất có lợi. Lãi suất USD mà doanh nghiệp ông vay hiện khoảng 5-6% một năm, cộng với mức dự trù trượt giá 1-2% mỗi năm, doanh nghiệp vay USD đem bán để dùng tiền Việt, giá vốn rẻ hơn rất nhiều so với vay VND (lãi suất dao động 9-12% một năm).

"Hiện nay chúng tôi đang vay ngân hàng 500.000 USD (hơn 10 tỷ đồng), với lãi suất 5% một năm. Tính ra lãi suất phải trả cho khoản vay này khoảng 25.000 USD, tương đương tầm 535 triệu đồng một năm, thấp hơn gần một nửa so với vay số tiền đồng tương ứng", ông bộc bạch.

Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn thương Tín (Sacombank) Phan Huy Khang cho biết thanh khoản ngoại tệ tại nhà băng hiện nay không đến mức căng thẳng, nhưng thừa nhận nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp có tăng lên.

Ông giải thích, có thể do kỳ vọng tỷ giá không thay đổi, trong khi lãi suất tiền đồng cao hơn nhiều nên nhiều doanh nghiệp vay ngoại tệ để hưởng lãi suất thấp. "Tính từ đầu năm đến nay, dư nợ ngoại tệ tại Sacombank tăng hơn 5% trong khi huy động chỉ tăng trên 3%", ông Khang nói.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nhận định không nên quá lo ngại đến việc tạo áp lực với tỷ giá. Bởi hiện nay, các khoản vay tín dụng chủ yếu tập trung vào nhóm khách hàng là doanh nghiệp xuất khẩu, họ là những đơn vị có thể cân đối được nguồn USD trả nợ. Do đó, khi đến lúc đáo hạn hợp đồng tín dụng, doanh nghiệp không phải lo ngại vấn đề mua đôla để trả nợ ngân hàng nên khó tạo ra sự căng thẳng tỷ giá.

Hơn nữa, theo lộ trình thực hiện Thông tư 29, đến cuối năm 2014, đối tượng được xét duyệt cho vay ngoại tệ sẽ tiếp tục bị thu hẹp, vì vậy ông Minh dự báo dư nợ mảng ngoại tệ sẽ giảm xuống trong thời gian tới.

Ông Minh cũng nhìn nhận, việc doanh nghiệp chuyển hóa vốn vay USD thành tiền đồng để kinh doanh không có gì bất bình thường, bởi chênh lệch lãi suất hiện nay quá hấp dẫn, tỷ giá lại được Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng ổn định từ nay đến cuối năm.

"Những đối tượng đủ điều kiện được vay theo Thông tư 29 hiện nay đều tận dụng tối đa cơ hội vay USD thay vì vay tiền đồng", ông chia sẻ.

TS. Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng tín dụng ngoại tệ tăng cao trong bối cảnh thanh khoản ngoại tệ ngân hàng tương đối tốt như hiện nay không có gì quá lo ngại. Mặt khác, đây cũng là cách hỗ trợ cho xuất khẩu, là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế.

Thời gian tới, để cân đối tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ và tiền đồng thì giải pháp lớn nhất là có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay VND. TS. Ngân phân tích, mặt bằng lãi vay VND hiện nay vẫn còn cao, cần phải tiếp tục kéo xuống nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này cũng nhằm khuyến khích doanh nghiệp tăng vay tiền đồng và tất yếu giảm vay ngoại tệ.

Đây không phải là lần đầu tiên hệ thống ngân hàng diễn ra hiện tượng carry-trade. Đầu năm 2008, nguồn ngoại tệ tăng đột biến, ngân hàng miễn cưỡng thậm chí từ chối mua vào khiến tỷ giá giảm. Tuy nhiên chỉ sau một tháng, nhu cầu ngoại tệ tăng cao trở lại, các ngân hàng không đủ nguồn đáp ứng đẩy tỷ giá tăng vọt. 

Hiện tượng doanh nghiệp vay đôla lãi suất rẻ, đổi ra tiền đồng để hưởng chênh lệch, tái diễn vào đầu năm 2010. Chỉ trong quý một, dư nợ tín dụng ngoại tệ của cả hệ thống tăng hơn 14% trong khi tín dụng nội tệ chỉ tăng 0,21%. Lãi suất USD lúc đó khoảng 7% một năm, cộng với mức độ trượt giá, doanh nghiệp vẫn lợi hơn khi vay tiền đồng với lãi suất 14-15%.

Các quan chức ngân hàng lúc đó nhìn nhận chuyện doanh nghiệp carry-trade là hết sức bình thường khi chênh lệch lãi suất cao, tỷ giá ổn định và nguồn ngoại tệ dồi dào. Tuy nhiên, Uỷ ban Giám sát Tài chính khi đó đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về tình trạng này. Chủ tịch đương thời Lê Đức Thuý cảnh báo việc tăng vay đôla bán ra lấy tiền đồng kinh doanh khiến nguồn cung ngoại tệ trên thị trường tăng tạm thời và kéo tỷ giá xuống dưới điểm cân bằng cung cầu. Tuy nhiên biến động tỷ giá có thể xảy ra khi đáo hạn hợp đồng, doanh nghiệp phải mua đôla để trả nợ ngân hàng.

"Xu hướng căng thẳng khó tránh khỏi vì dòng tiền dịch chuyển bất thường", ông Thuý cảnh báo vào cuối tháng 4/2010.

Căng thẳng tỷ giá bắt đầu xuất hiện khoảng 3 tháng sau đó, buộc Ngân hàng Nhà nước phải tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm hơn 2% vào 18/8. Tình hình tiếp tục dồn nén cho tới tận đầu năm 2011, dẫn tới cú tăng tỷ giá chóng mặt 9,3% ngày 11/2/2011.

Hôm 19/6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng tỷ giá thêm 1% với lý do hỗ trợ xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Cơ quan này đã mua lượng lớn ngoại tệ để bổ sung và nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 35 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm. Cùng thời gian này, các ngân hàng thương mại luôn duy trì trạng thái ngoại tệ âm, bán ra nhiều hơn mua vào.

Trong báo cáo công bố hôm 2/7, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tiếp tục đề cập tình trạng dồn sang vay ngoại tệ. Từ đầu năm đến tháng 5, tiền gửi bằng ngoại tệ vào các tổ chức tín dụng giảm 5,5% nhưng cho vay lại tăng 7%. Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi ngoại tệ (LDR) tăng từ 84,3% cuối năm ngoái lên 95,5% trong tháng 5/2014. Với con số này, Ủy ban cho rằng thanh khoản ngoại tệ chịu áp lực nhất định.