Doanh nghiệp Việt Nam làm gì để đón cơ hội từ Hiệp định CPTPP?
Ngay từ bây giờ các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt thông tin về Hiệp định và chuẩn bị tâm thế cạnh tranh, có tư duy sáng tạo, đổi mới để tận dụng tốt các cơ hội mà Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương mang lại.
Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác nêu trên để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, với việc tham gia CPTPP, các doanh nghiệp Việt sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn nữa ngay trên chính “sân nhà”. Do vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, để đảm bảo hội nhập thành công doanh nghiệp cần chủ động trong việc tìm hiểu thông tin, chuẩn bị cho mình một tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế, có tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh, có kế hoạch xây dựng năng lực, đặc biệt về thương hiệu hay uy tín và chất lượng, chủ động trong tiếp cận thị trường để làm ăn quy mô và dài hạn trong tương lai.
Về phía doanh nghiệp, để bảo đảm Hiệp định CPTPP nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mong muốn được Chính phủ, cùng các Bộ, ngành liên quan tiến hành tuyên truyền, phổ biến về nội dung và tác động của Hiệp định tới công chúng.
Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành cùng tiếp tục triển khai việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của Hiệp định CPTPP; Tiếp tục xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; Đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; Tạo sự liên thông giữa các Bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài…