Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê: Mong được tiếp tục vay ngoại tệ

Theo Báo Đầu tư

Nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn vay ngoại tệ phục vụ niên vụ 2012 - 2013, doanh nghiệp ngành cà phê kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được vay vốn ngoại tệ.

Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê: Mong được tiếp tục vay ngoại tệ
Ông Lê Đức Thống, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắc Lắc cho biết, niên vụ cà phê 2011 - 2012, Công ty xuất khẩu được 130.000 tấn cà phê nhân, đạt lợi nhuận khá. “Có được điều này một phần do Công ty làm ăn uy tín, nên được ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay, có thời điểm dư nợ tới 2.000 tỷ đồng để mua cà phê dự trữ. Bên cạnh đó, Công ty cũng thay đổi phương thức kinh doanh, không ứng tiền trước cho nhà cung ứng, nên giảm được rủi ro về nguồn hàng”, ông Thống cho biết.

Có thể nói, vốn vay là điều kiện tiên quyết đối với DN cà phê (có tới 90% DNcà phê phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng). Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đông, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, Ngân hàng đang đầu tư 9.000 tỷ đồng cho ngành cà phê. Trong đó, 5.000 tỷ đồng dành cho công tác trồng, chăm sóc, tái canh cà phê; 4.000 tỷ đồng dư nợ cho vay dành cho 143 DN chế biến xuất khẩu cà phê.

Theo ông Nguyễn Văn Đông, so với các ngành khác, ngành cà phê có nợ xấu 3,8% là chấp nhận được. Chính vì lẽ đó, Agribank sẽ đầu tư thêm 5.000 tỷ đồng cho ngành này, trong đó 3.500 tỷ đồng dành cho chế biến xuất khẩu, đầu tư trực tiếp cho các DN đủ năng lực tài chính và điều kiện thu mua và xuất khẩu trực tiếp; 1.000 tỷ đồng đầu tư trung và dài hạn theo chiều sâu (kho bãi, chế biến…), còn lại sẽ đầu tư theo các chương trình phát triển cà phê bền vững của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa).

Tuy nhiên, vấn đề mà DN cà phê đặc biệt quan tâm hiện nay khả năng tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ. Đại diện Công ty Intimex Nha Trang cho biết, nhờ tiếp cận được nguồn vốn ngoại tệ mà đến hết tháng 9/2012, Công ty xuất khẩu được 700 triệu USD, cơ bản hoàn thành kế hoạch niên vụ 2011 - 2012.

Đồng quan điểm, ông Lê Đức Thống cho biết, với lãi suất 7-8%/năm, vay USD hấp dẫn hơn so với vay VND (18 - 21%/năm), nên Công ty Xuất nhập khẩu 2/9 Đắc Lắc không phải chịu áp lực về lãi vay.

Vấn đề tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ cũng được các DN xuất khẩu cà phê đặc biệt quan tâm tại buổi tổng kết niên vụ cà phê 2011 - 2012 vừa diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM. Hầu hết DN đều tỏ ra lo ngại về thời hạn vay ngoại tệ sắp hết (ngày 31/12/2012).

Để tháo gỡ khó khăn cho niên vụ cà phê 2012-2013, DN đồng loạt kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép DN xuất khẩu cà phê được tiếp tục vay ngoại tệ sau thời gian trên. “DN xuất khẩu cà phê vay ngoại tệ có khả năng tái tạo ngoại tệ ngay lập tức, nên không sợ ảnh hưởng bởi rủi ro tỷ giá”, ông Lê Đức Thống nói và cho rằng, hỗ trợ vay vốn bằng ngoại tệ là việc làm cần thiết giúp DN trong nước giảm áp lực cạnh tranh với DN nước ngoài đang trực tiếp thu mua cà phê tại Việt Nam, vì DN nước ngoài vay vốn USD chỉ với lãi suất trên dưới 4%/năm.

“Với lãi suất vay USD 4%/năm, DN nước ngoài chỉ phải trả lãi 150 đồng/kg cà phê nhân, trong khi DN trong nước phải trả tới 600 đồng/kg. Đây chính là nguyên nhân khiến DN Việt Nam rất khó cạnh tranh với DN nước ngoài, vì chỉ cần nâng giá mua thêm 200 đồng/kg, DN nước ngoài có thể gom hết hàng (năm 2010, DN nước ngoài mua trên 50% sản lượng cà phê của Việt Nam, trong khi năm 2011, mua 33% sản lượng cà phê)”, ông Lê Đức Thống dẫn chứng.

Ngoài việc kiến nghị giảm lãi suất các khoản vay cũ, Vicofa cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có kế hoạch cho vay đối với niên vụ cà phê mới, xem xét gia hạn cho vay ngoại tệ đối với DN xuất khẩu cà phê.