Độc đáo những ngọn hải đăng giữa đại dương
Giữa đại dương mênh mông, những ngọn hải đăng là người bạn đường tin cậy để ghe thuyền vượt qua mịt mù sóng gió. Để duy trì ánh sáng của những ngọn đèn này là một công việc cực kỳ gian nan, vất vả…, nhất là trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như ở Trường Sa.
Giữ lửa trên biển
Nếu như những cán bộ chiến sĩ hải quân làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương bờ cõi thì những người canh giữ hải đăng là những người “thắp lửa, dẫn đường” trên biển. Nhờ những ngọn hải đăng mà hàng trăm ghe thuyền định vị được phương hướng giữa mênh mông đại dương.
Được xây dựng khá lâu đời, ngọn hải đăng Sơn Ca cao gần 30m trên đảo Sơn Ca (thuộc quần đảo Trường Sa) vô cùng quan trọng. Để đảm bảo đèn hoạt động liên tục, mỗi cán bộ công tác tại hải đăng (trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) phải luân phiên trực 12 giờ mỗi ngày.
Theo anh Vũ Văn Lưu (quê Hải Phòng), Trạm trưởng hải đăng Sơn Ca, công việc thường nhật của anh em ở trạm là lau chùi, bảo vệ, liên tục tiếp thêm nguyên liệu cho đèn. Hiện nay, hầu hết các ngọn hải đăng trên biển Trường Sa - cũng như trên thế giới - đều sử dụng loại đèn chớp/tắt ở chu kỳ định sẵn.
Nguyên liệu để duy trì hoạt động các loại đèn này là năng lượng điện mặt trời. Do ở giữa biển khơi đêm ngày, gió đưa hơi nước mặn lên khiến đèn dễ bị ô-xy hóa nếu không được chăm sóc chu đáo. Ngoài ra, do đảo thường xuyên thiếu điện nên công việc của các anh cũng vất vả, phải chuẩn bị kế hoạch trước để không bị động, đảm bảo ngọn đèn không bao giờ bị tắt.
Do yêu cầu, những ngọn đèn biển phải được đặt ở đỉnh của hải đăng và đó là nơi nguy hiểm, khó khăn với người giữ đèn. Những đêm mưa gió, người giữ đèn phải buộc dây quanh người trèo lên nơi có ngọn đèn để kiểm tra, sửa chữa, khắc phục các sự cố nếu xảy ra.
Tại quần đảo Trường Sa hiện có 9 ngọn hải đăng được xây dựng kiên cố với mục đích điều tiết, bảo đảm an toàn lưu thông hàng hải cũng như đánh dấu cột mốc chủ quyền, đó là các ngọn hải đăng ở đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Trường Sa, Sinh Tồn, Nam Yết, Tiên Nữ, An Bang, Đá Tây, Đá Lát. Các ngọn hải đăng này đều thuộc quản lý của Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải, thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Trong số đó, hải đăng trên đảo Song Tử Tây là một trong những ngọn hải đăng quan trọng. Với vị trí nằm ở rìa phía Bắc của huyện đảo Trường Sa, khu vực này luôn có mật độ tàu thuyền qua lại đông đúc, gồm cả tàu cá lẫn tàu hàng.
Vì thế, ngọn hải đăng cao gần 40m, có thể giúp tàu thuyền cách xa hơn 22 hải lý có thể nhìn thấy. Trong đêm tối, khi có mưa bão dù cách xa vài chục cây số, dựa vào tín hiệu đèn thì họ vẫn có thể tìm đến chính xác vị trí của đảo một cách an toàn.
Ngỡ ngàng trước những “kỳ quan”
Không quá lời khi những ngọn hải đăng được coi là người dẫn đường quan trọng với những ghe tàu trên biển, nhất là khi điều kiện thời tiết không thuận lợi. Hàng trăm ghe tàu cá của ngư dân ở vùng biển ngoài khơi Trường Sa nhờ đó có thể yên tâm đánh bắt, khai thác. Nhờ nhận thấy những tín hiệu của hải đăng, họ biết mình vẫn nằm trong vùng an toàn.
Ngày nay, trong sự tranh chấp chủ quyền trên biển đang khá gay gắt, những ngọn hải đăng còn là cột mốc chủ quyền, là “mắt thần” phát hiện những nguy hiểm từ xa. Hải đăng được xây dựng rất kiên cố, đẹp đẽ. Ai đã từng ghé thăm Trường Sa đều không thể quên hình ảnh những bãi cát dài trắng muốt ở đảo Sơn Ca, cung đường xanh um rợp bóng cây mù u, cây phong ba trên đảo Sinh Tồn và những ngọn hải đăng đẹp như tranh.
Để xây được những ngọn hải đăng cao trung bình từ 20 tới 40 mét (tương đương với ngôi nhà 10 tầng) trên quần đảo Trường Sa là điều vô cùng khó khăn, gian khổ. Nói không quá, đó là những “kỳ quan” của công sức, sự quyết tâm, nghị lực của những người đã tạo lên nó.
Đứng sừng sững giữa biển trời, những ngọn hải đăng ở Trường Sa ngày nay mang trong mình bao nhiệm vụ thiêng liêng. Ở đó, hàng ngày ngọn đèn biển là người dẫn đường cho ngư dân cũng là người bạn của cán bộ chiến sĩ hải quân, gắn liền với công việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của biển đảo.