Phát triển kinh tế biển đảo còn thiếu tính bền vững

Theo TTXVN

Trong quá trình phát triển kinh tế và bảo tồn tính bền vững của biển, Việt Nam còn gặp không ít khó khăn và hạn chế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã có quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, thể hiện rõ trên các luận điểm đó là: Nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng-an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường; kết hợp giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, phát huy đầy đủ và có hiệu quả các nguồn lực bên trong. Tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Những thành tựu nổi bật

Đánh giá về việc khai thác, sự dụng tài nguyên biển và hải đảo trong những năm qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, dựa trên lợi thế về tài nguyên biển, Đảng và Nhà nước đã đề ra những chủ trương, biện pháp đúng đắn nên đã từng bước quản lý, bảo vệ, khai thác biển và và vùng ven biển đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Cụ thể là quy mô kinh tế biển và và vùng ven biển liên tục tăng nhờ cơ cấu ngành nghề thay đổi cùng với sự xuất hiện các ngành kinh tế-dịch vụ mới, như khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn…Nên có những đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ, chủ yếu là dầu khí và thủy sản.

Trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng mở, bước đầu Việt Nam đã hình thành 15 khu kinh tế biển-là các trung tâm phát triển kinh tế hướng biển. Đây là những khu vực phát triển tống hợp các ngành nghề biển như hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển và vận tải biển, du lịch biển, đô thị hóa và nghiên cứu khoa học biển…

Đặc biệt, đã có bước phát triển mới ở một số hải đảo nên vai trò của các đảo tăng lên rõ rệt. Hiện trong 12 huyện đảo thì 66 đảo có dân sinh sống với tổng số khoảng 160.000 người. Kết cấu hạ tầng của các đảo cũng được cải thiện đáng kể, một số đảo đã và sẽ phát triển thành những trung tâm kinh tế hướng biển như Vân Đồn, Cát Hải, Côn Đảo, Phú Quốc…

Công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển được quan tâm hơn. Các kết quả điều tra nghiên cứu đã cung cấp những hiểu biết khái quát đặc trưng về điều kiện tự nhiên và tài nguyên biển. Việt Nam cũng chú ý thực hiện các cam kết quốc tế và đẩy mạnh công tác bảo tồn biển.

Hệ thống thể chế quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương bước đầu được thiết lập. Hệ thống chính sách, pháp luật, các quy phạm về công tác điều tra tài nguyên, quản lý môi trường biển được xây dựng để phục vụ quản lý ngành. Các ngành và địa phương đã xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của ngành, lĩnh vực liên quan đến biển.

Một thành tựu nổi bật nữa là công tác đối ngoại đã đạt được một số kết quả khả quan. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều điều ước, công ước quốc tế về biển; một số thỏa thuận trên biển với các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực Biển Đông. Mặt khác cũng đã triển khai một số dự án song phương và đa phương với các nước liên quan.

Trên tinh thần đó, Đảng ta đã xác định rõ mục tiêu và định hướng Chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020 và tầm nhìn xa hơn. Mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 – 55% tổng GDP của cả nước.

Cùng với xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, sẽ xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển; xây dựng cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả; mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển.

Thách thức và hạn chế

Theo phân tích của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, bên cạnh những thành tựu, trong quá trình phát triển kinh tế và bảo tồn tính bền vững của biển, Việt Nam còn gặp không ít khó khăn và hạn chế.

Quy mô kinh tế biển của nước ta còn nhỏ bé chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, chưa chuẩn bị đủ điều kện để vươn ra vùng biển quốc tế. Cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ nên hiệu quả sử dụng thấp.

Cụ thể là các cảng biển, thiếu hệ thống đường cao tốc chạy dọc ven biển để nối các thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn. Các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến còn chậm được nghiên cứu áp dụng; đồng thời ít chú ý nghiên cứu công nghệ biển tiên tiến.

Việc khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát, không tuân thủ quy hoạch biển đảo, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng đa ngành ở vùng ven biển, biển và hải đảo. Phương thức khai thác chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu.

Còn nghiêng về ưu tiên khai thác tài nguyên ở dạng vật chất, không tái tạo, các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển ít được chú trọng, như giá trị vị thế của các mảng không gian biển, ven biển và hải đảo; giá trị của dịch vụ của hệ sinh thái, các giá trị văn hóa biển.

Cách tiếp cận “nóng” trong khai thác tài nguyên biển đang là hiện tượng phổ biến ở lĩnh vực kinh tế biển, vì chỉ chú trọng nhiều đến sản lượng, số lượng, ít chú ý đến chất lượng và lợi ích lâu dài của các dạng tài nguyên.

Đặc biệt, môi trường biển bị biến đổi theo chiều hướng xấu. Do ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển. Một số khu biển ven bờ bị ô nhiễm nặng, hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô mở rộng.

Nguy cơ ô nhiễm ven biển đáng báo động do các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại đây xả thải không xử lý. Điển hình như vụ Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan đóng tại Vũng Áng Hà Tĩnh , đã xả số lượng lớn chất cực độc ra biển trong quá trình súc rửa đường ống xả thải đầu tháng 4 vừa qua.

Đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy hải sản giảm sút. Các hệ sinh thái biển quan trọng bị suy thaois và thu hẹp diện tích. Các quần đàn cá tôm có xu hướng di chuyển ra xa bờ hơn do thay đổi cấu trúc hoàn lưu ven biển, thay đổi tương tác sông-biển ở vùng cửa sông ven bờ, vì mất đến 60% nơi cư trú quan trọng.

Riêng rừng ngập mặn mất tới 15.000ha/năm, khoảng 80% rạn san hô trong vùng biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở mức cao, tình trạng này cũng diễn ra tương tự với thảm cỏ biển. Vì vậy đã có khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 100 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam.

Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt. Năng suất nuôi tôm quảng canh trong rừng ngập mặn bị giảm sút từ 200kg/ha/vụ năm 1980 đến nay chỉ còn 80kg/ha/vụ. Nếu như 1ha rừng ngập mặn trước đây có thể khai thác khoảng 800kg thủy sản, nhưng hiện chỉ thu hoạch được 1/20 so với trước.

Nguồn lợi hải sản gần bờ có dấu hiệu khai thác quá mức do số lượng tàu thuyền đánh bắt tăng nhanh, nên hiệu xuất khai thác giảm từ 0,92 tấn xuống còn 0,34 tấn.

Công tác kiểm tra, giám sát, cấp và thu hồi giấy phép sử dụng, khai thác tài nguyên biển…chậm được triển khai trong lĩnh vực quản lý tài nguyên biển. Chưa kể Việt nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nền nhất của biến đổi khí hậu và nguy cơ nước biển dâng cao, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho các vùng ven biển và các đảo nhỏ./.