Đổi mới kinh tế trong bối cảnh hội nhập
(Tài chính) Hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng trên cả ba cấp độ: toàn cầu, khu vực và song phương. Thông qua đó, thị trường và sản xuất ở nhiều nước đang trở nên ngày càng phụ thuộc lẫn nhau một cách toàn diện. Vai trò của các đường biên giới quốc gia giảm dần, hình thành nên một nền kinh tế toàn cầu, nền công nghệ và tri thức toàn cầu thống nhất, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối. Đồng thời, thế giới hội nhập cũng làm xuất hiện và tạo cơ hội giải quyết ngày càng nhiều các vấn đề kinh tế toàn cầu như: thương mại, đầu tư, tiền tệ, dân số, lương thực, năng lượng, môi trường.
Thực tế cho thấy, không chỉ nền kinh tế do Nhà nước chỉ huy tập trung thái quá không mang lại hiệu quả như mong đợi, mà ngay cả thị trường tự do cao độ cũng không giải phóng triệt để tài năng sáng tạo của cá nhân và là động cơ của sự tiến bộ lành mạnh, không khắc phục được sự bất bình đẳng trong thu nhập và tài sản giữa các tầng lớp, giai cấp trong mỗi nước và giữa nước này với nước khác. Hơn nữa, sự chủ động của tư nhân và tự do cạnh tranh thị trường vì mục tiêu lợi nhuận ích kỷ thuần tuý, thiếu kiểm soát, có thể trực tiếp và gián tiếp làm tích tụ ngày càng đậm những xung lực phát triển thiếu bền vững, lãng phí, gây ra những làn sóng thần khủng hoảng và tổn thất to lớn, toàn diện cho mỗi quốc gia và toàn nhân loại.
Nhà nước có vai trò ngày càng to lớn trong cuộc chiến với các chấn động cơ cấu hoặc chu kỳ kinh tế bột phát, nhất là khủng hoảng tài chính-ngân hàng, dù nó xảy ra ở trong nước hay ngoài nước, nguyên nhân không trực tiếp từ sai lầm của chính phủ hoặc trong khu vực kinh tế nhà nước. Bàn tay điều chỉnh của Nhà nước cần chuyển dịch theo hướng giảm can thiệp hành chính, trực tiếp, để chuyển sang phương thức can thiệp gián tiếp, có tính định hướng và giám sát nhiều hơn, vừa tuân thủ các yêu cầu và lợi ích thị trường, vừa không làm xấu đi sự ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm hài hòa các lợi ích trong quá trình phát triển, nhất là không lạm dụng sức chịu đựng và đổ gánh nặng khủng hoảng lên người dân, người tiêu dùng.
Một thế giới hội nhập cũng khởi động và sẽ tăng cường hơn cuộc tái cấu trúc toàn cầu, với sự di chuyển tự do hơn các nguồn lực, vốn và công nghệ; định vị lại tương quan sức mạnh và cục diện phát triển quốc tế, sự cạnh tranh giành quyền chi phối và phạm vi ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và khu vực giữa các cường quốc và khối liên minh sẽ diễn ra trên toàn tuyến, công khai và ngày càng quyết liệt.
Đổi mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế tạo thời cơ và thách thức, cũng như đặt ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi phải có những đột phá mới về nhận thức, lý luận, phương thức, lộ trình giải quyết những bài toán thực tiễn trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tham gia hệ thống phân công lao động và chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu để đẩy nhanh và nâng cao chất lượng phát triển theo hướng bền vững. Trước mắt, cần đặc biệt chú ý các vấn đề:
Thứ nhất, tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về một số vấn đề lớn và mới về phát triển và quản lý phát triển. Những thành tựu đổi mới luôn và cần bắt nguồn từ đổi mới tư duy và nhận thức lý luận. Khi công cuộc đổi mới được triển khai và đi vào chiều sâu thì đổi mới tư duy càng được đẩy mạnh. Thực tiễn đổi mới về kinh tế, chính trị, xã hội vừa là kết quả đổi mới tư duy, lại vừa đặt ra những yêu cầu mới cho việc tiếp tục đổi mới tư duy ở trình độ cao hơn. Vấn đề đặt ra bức thiết và có quyết định tiến trình và nội dung đổi mới tới đây là tiếp tục nghiên cứu và tháo gỡ những nút thắt nhận thức lý luận nền tảng cho công cuộc đổi mới; trong đó có nhận thức về sở hữu, thành phần kinh tế, phương thức phát triển và mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về hệ thống chính trị, vai trò và quan hệ Đảng - Nhà nước - các đoàn thể chính trị, xã hội.
Công cuộc đổi mới ngày càng toàn diện sẽ động chạm và làm rung chuyển toàn bộ hệ thống chính quyền và lợi ích của các nhóm, các cá nhân trong hệ thống đó. Công cuộc đổi mới ở giai đoạn hội nhập sẽ phức tạp hơn, khó khăn hơn, nên cần hết sức thận trọng, tỉnh táo, sáng suốt, phải chuẩn bị kỹ về lý luận và những điều kiện cần thiết, “nhìn xa trông rộng”, có bước đi thích hợp làm chủ được quá trình đổi mới, tránh chủ quan, giáo điều sách vở và tránh chủ nghĩa kinh nghiệm, chỉ thấy trạng thái tĩnh mà không thấy trạng thái động.
Thứ hai, đổi mới cơ chế và yêu cầu sự kết hợp bàn tay nhà nước với bàn tay thị trường, coi trọng tính đồng bộ, hài hòa và tác động hai mặt của các mục tiêu, loại công cụ chính sách; tôn trọng yêu cầu khách quan của các quy luật và quy trình quản lý kinh tế; đề cao sự năng động, trách nhiệm và phối hợp giữ vững lòng tin thị trường, tạo thuận lợi nhất cho kinh tế tư nhân phát triển.
Đổi mới hiện nay không chỉ dừng lại ở việc đa dạng hóa sở hữu và các khu vực kinh tế, xóa bỏ bao cấp và vận hành cơ chế kinh tế thị trường nửa vời, méo mó, mà cần đổi mới cơ chế nhằm tăng kiểm soát và cân bằng quyền lực kinh tế - chính trị - xã hội, phòng tránh tình trạng lũng đoạn nhà nước của các nhóm lợi ích, bảo đảm đổi mới đúng hướng và tạo sự đồng thuận xã hội. Đặc biệt, vấn đề ngày càng nổi lên và xuyên suốt trong thời gian tới là quyết tâm triển khai trên thực tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng chủ yếu từ bề rộng sang chủ yếu theo bề sâu, với ba đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu chủ lực; tăng cường liên kết, hiện đại hóa và quốc tế hóa các sản phẩm truyền thống của địa phương, đi đôi với quá trình địa phương hóa các sản phẩm và doanh nghiệp quốc tế;
Yêu cầu đổi mới thời gian tới cũng đòi hỏi nâng cao chất lượng công tác xây dựng và quản lý theo quy hoạch, kế hoạch, bao quát đầy đủ hơn các nguồn vốn, các địa phương và lĩnh vực, vừa bảo đảm tính tập trung thống nhất, vừa kích thích tính chủ động, sáng tạo và phản ứng thị trường kịp thời của địa phương. Xúc tiến nhanh hơn, triệt để hơn việc tách chức năng quản lý nhà nước về kinh tế với chức năng quản lý sản xuất kinh doanh, chức năng hành chính với chức năng dịch vụ công, xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả và minh bạch, phân định và làm rõ các quy chế pháp lý khác nhau đối với các loại cơ quan, phân rõ quyền hạn và trách nhiệm của sở, ban, ngành, phối hợp với các bộ liên quan, tránh tình trạng quản lý chồng chéo…
Thứ ba, đổi mới công tác thông tin, dự báo, phản biện và chủ động các phương án và giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn khủng hoảng...
Dự báo tốt giúp các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả điều hành thực tiễn. Việc bám sát thực tiễn điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp công tác dự báo thêm cơ sở tin cậy và mềm dẻo, chính xác hơn. Vì vậy, cần tăng cường và thể chế hóa các phát ngôn và cung cấp thông tin chính thức có chất lượng và trách nhiệm pháp lý cao định kỳ và không định kỳ của các cơ quan và đại diện nhà nước, các tổ chức kinh doanh có liên quan, nhất là các bộ kinh tế - tài chính tổng hợp, cũng như của các ngành và doanh nghiệp đang có độ độc quyền kinh doanh cao. Đồng thời, cần coi trọng đúng mức và phân biệt rạch ròi giữa yêu cầu dự báo khách quan với mục tiêu chính sách và ý chí chủ quan. Dự báo cần bám sát, cập nhật và đưa ra các cảnh báo cần thiết về các biến động thị trường khách quan trong nước và quốc tế; coi trọng dự báo tác động 2 mặt của chính sách theo yêu cầu quản lý kinh tế thị trường. Việc dự báo, đánh giá tác động 2 mặt tích cực và tiêu cực cả về xu hướng định tính, lẫn về định lượng của việc áp dụng các chính sách và định mức cụ thể trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước là rất quan trọng, nhất là với những mặt hàng đầu vào nhạy cảm của đời sống kinh tế - xã hội đất nước.
Cần có cơ chế tăng cường thực chất hơn các phản biện xã hội và các đánh giá tác động chính sách trước và sau khi ban hành bởi các tổ chức chuyên nghiệp và độc lập thực hiện theo đặt hàng của cấp có thẩm quyền khách quan.
Thứ tư, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với quan tâm phát triển văn hóa, giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội và môi trường, nâng cao chất lượng và yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ lợi ích quốc gia; coi trọng đào tạo, thu hút sử dụng và tôn vinh nhân tài, các doanh nhân, nguồn nhân lực trình độ cao và nâng cao chất lượng công tác cán bộ.
Nhà nước cần quan tâm bảo đảm hài hòa các lợi ích trong quá trình phát triển, giảm thiểu chênh biệt giữa các tầng lớp xã hội, các vùng và lĩnh vực; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các hoạt động bảo đảm xã hội có tổ chức công bằng và hiệu quả; nâng cao văn hóa quản lý và văn hóa kinh doanh… Đặc biệt, cần hoàn thiện cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia, trong đó đề cao vai trò của Chính phủ về bảo vệ chủ quyền và lợi ích kinh tế quốc gia, các lợi ích liên vùng, liên ngành, dài hạn, nhất là về tài nguyên, lãnh thổ, khí hậu, người tài, chi tiêu và tài sản công, uy tín quốc gia, lòng tin xã hội, cũng như lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh cộng đồng, cả trong và ngoài nước;
Thế giới đang và sẽ biến đổi ngày càng nhanh chóng, ai biết trước được các xu hướng phát triển của tương lai và thích ứng hiệu quả với chúng thì người đó sẽ chiến thắng.