Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu


Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch. Đề án sẽ được trình Chính phủ trong quý I/2020.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo.

Tại  cuộc họp với các bộ, ngành liên quan ngày 19/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong những năm gần đây, công tác kiểm tra chuyên ngành đã có nhiều cải cách tích cực, số mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm so với trước.

Tuy nhiên, trên thực tế, con số cắt giảm 12.600 mặt hàng trong tổng số hơn 82.000 mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành là chưa đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, một số mặt hàng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cụ thể khiến công tác kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, cùng với đó nguyên tắc quản lý rủi ro cũng chưa được áp dụng đầy đủ, thực chất.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại trong công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa XNK.

Theo ông Thành, trình tự thủ tục còn quá nhiều bước, gây tốn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong công tác kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo. Hiện còn có quá nhiều cơ quan cùng tham gia vào việc kiểm tra chuyên ngành, cùng quản lý, kiểm tra chuyên ngành một mặt hàng với nhiều thủ tục không thống nhất, có 50% loại hàng hóa yêu cầu phải kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn...

Quang cảnh cuộ họp.
Quang cảnh cuộc họp. Nguồn: TTXVN

Trước thực tế tồn tại đó, Chính phủ đã giao cơ quan hải quan xây dựng đề án theo hướng hải quan sẽ là đầu mối duy nhất để thực hiện kiểm tra tại cửa khẩu, thay vì nhiều bộ, ngành cùng thực hiện như hiện nay. Trường hợp hàng hóa cần kiểm tra chuyên sâu, chuyên ngành, đặc thù hoặc cơ quan hải quan chưa đủ năng lực kiểm tra, cơ quan hải quan sẽ chuyển mẫu và đề nghị các cơ quan khác phối hợp thực hiện. Đặc biệt, theo đề án, đối tượng kiểm tra là chất lượng hàng hóa, không phải chủ hàng.

Hiện nay, còn có 7.968 dòng hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, là một khối lượng rất lớn. Theo đó, trên cơ sở danh mục hàng hóa XNK phải kiểm tra chất lượng, cơ quan hải quan sẽ áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, lựa chọn các lô hàng có khả năng vi phạm quy định về kiểm tra chuyên ngành để thực hiện kiểm tra hoặc đề nghị tổ chức đánh giá sự phù hợp đã được bộ quản lý chuyên ngành chỉ định thực hiện kiểm tra chất lượng. Doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng đối với hàng hóa XNK phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Việc đổi mới phương thức kiểm tra theo đề án được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian khi chỉ phải tiếp xúc với cơ quan duy nhất là hải quan, đồng thời cũng không phải tham gia vào quá trình kiểm tra chất lượng hàng hóa XNK. Mô hình mới sẽ giúp Chính phủ tiết kiệm ngân sách thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, chi phí cho một bộ máy kiểm tra chất lượng cồng kềnh, giảm thời gian thông quan hàng hóa; giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng của hàng hóa.

Ông Thành cho biết thêm, trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiến hành đánh giá lại năng lực, chuẩn bị nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để đáp ứng được nhiệm vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa với khối lượng đồ sộ. Đồng thời, nâng cao năng lực kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa XNK tại cửa khẩu cho cơ quan hải quan, về nhân lực, trang thiết bị, máy móc, hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo thực hiện mục tiêu. Ngoài ra, tại đề án sẽ đưa ra lộ trình thực hiện nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý và năng lực thực hiện kiểm tra của chất lượng của cơ quan hải quan.

Tổng cục Hải quan tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành để hoàn thiện đề án, sớm trình Chính phủ trong quý I/2020.