Đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá cho sức cạnh tranh của nền kinh tế
Thời gian qua, khoa học và công nghệ đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo như là cầu nối để khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng.
Phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ngày 28/1/2021, đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Trong những năm qua, khoa học và công nghệ Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Số liệu cho thấy, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp - TFP giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam đã tăng lên 45,2% so với mức 33,58% của giai đoạn 2011-2015 là 33,6%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đã tăng lên 5,8%/năm so với giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm. Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, những đóng góp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đầu trong nhóm 29 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được xếp hạng GII năm 2020; trong 10 nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3, sau Singapore và Malaysia.
Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, các nội dung khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được thể hiện đậm nét, đồng bộ, hệ thống, xuyên suốt từ chủ đề của Chiến lược, đến quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, đột phá chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, đảm bảo được tính kế thừa, phát triển từ các thành công và cả từ các hạn chế trong giai đoạn trước đây và có tính đến các bối cảnh mới ở trong nước và quốc tế.
Quán triệt các nội dung khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được nêu trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo như là cầu nối để khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh.
Đồng thời, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong đó chú trọng đến việc xây dựng thể chế vượt trội và chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cần có nỗ lực toàn diện và đồng bộ để tháo gỡ các rào cản trong hệ thống luật pháp và chính sách để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các rào cản, vướng mắc từ các cơ chế, chính sách kinh tế, đầu tư, thương mại; Tăng cường nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhất là từ doanh nghiệp...
Cùng với đó, thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có khả năng ứng dụng cao.