Đổi mới tư duy tiêu dùng - Gốc rễ của sự phát triển bền vững
(Tài chính) Tiêu dùng - sức mua là bản chất, cội rễ của sự phát triển. Phải có cầu mới có cung và phát triển nguồn cung. Nhiều chuyên gia khẳng định, để tự chủ kinh tế, phát huy nội lực - không có con đường nào khác là phải đổi mới tư duy tiêu dùng. Và đây mới chính là gốc rễ cho sự phát triển bền vững của một nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu hóa.
Nếu so sánh khả năng cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam với rất nhiều doanh nghiệp sản xuất các loại sản phẩm công nghiệp đòi hỏi công nghệ cao hay hàng hóa tiêu dùng nước ngoài - có thể khẳng định, nhiều doanh nghiệp của nước ta không những không thua kém mà còn vượt trội hơn ở cả tầm khu vực và trên thế giới.
Bằng chứng là sản phẩm máy biến áp 500kV - đòi hỏi trình độ kỹ thuật, nhân lực trí tuệ phải ở cấp chuyên gia và đôi tay khéo léo của công nhân lành nghề - thì Việt Nam đã sản xuất thành công từ năm 2010 và trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất được thiết bị này. Thế nhưng, việc tiêu thụ sản phẩm máy biến áp 500kV made in Vienam lại vô cùng khó khăn, mà theo Tổng giám đốc Tổng công ty CP thiết bị điện Đông Anh Trần Văn Quang có rất nhiều nguyên nhân. Một mặt chưa kiểm soát tốt hàng nhập khẩu cùng loại hàng hóa trong nước đã sản xuất được theo Quyết định 10 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm (được ban hành từ ngày 16.1.2009). Mặt khác, đây là sản phẩm của doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mà theo một số quy định đấu thầu doanh nghiệp không được tham gia. Việc đấu thầu và thắng thầu theo hình thức tổng thầu rất nhiều công trình điện lớn đã khiến các doanh nghiệp cơ khí trong nước phải đứng ngoài cuộc. Để có thể thắng thầu công trình trên thị trường nội địa, doanh nghiệp đã phải đấu thầu thông qua nước thứ ba.
Với thực tế này, khuyến nghị đầu tiên của các chuyên gia là phải sửa Luật Đấu thầu theo hướng khuyến khích các sản phẩm sản xuất trong nước. Phải có cơ chế pháp lý ràng buộc các nhà thầu sử dụng hàng hóa có chất lượng của doanh nghiệp trong nước. Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần tạo ra những chính sách thuận lợi hơn để doanh nghiệp sử dụng hàng nội. Cần có sự điều chỉnh về luật để làm sao không chỉ cạnh tranh về giá mà còn cạnh tranh cả về nguồn gốc xuất xứ, các yếu tố bảo đảm các điều kiện hướng tới ưu tiên dùng hàng Việt.
Thực tế chỉ ra rằng, tại nhiều công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước vẫn có tình trạng chủ đầu tư ngại dùng sản phẩm nội địa vì họ ngại chia nhỏ các gói thầu. Và mặc dù đã có những quy định của nhà nước đối với các dự án ký kết theo hình thức tổng thầu về tỷ lệ sử dụng hàng hóa trong nước đã sản xuất được, nhưng không ít chủ đầu tư tìm mọi cách để lách luật. Do đó, cùng với chính sách tốt, cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhà quản lý, chủ doanh nghiệp, những người có quyền quyết định việc tiêu dùng các loại sản phẩm/hàng hóa thiết bị trong các công trình, dự án đầu tư.
Và, cùng với hệ thống pháp lý đủ mạnh, cùng với việc kêu gọi ý thức, lòng tự hào, tự tôn dân tộc thông qua việc tiêu dùng hàng nội, theo các chuyên gia thì các chương trình xúc tiến thương mại cũng phải thiết thực hơn. Cùng với việc tiếp tục kêu gọi Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì mỗi doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, và chủ động đưa hàng Việt tới tận tay người tiêu dùng. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền và doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện thường xuyên các chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” theo hướng thực chất hơn. Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, thị trường phân phối của nước ta vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng hàng hóa sản xuất trong nước.
Như vậy có thể thấy, tự chủ kinh tế, phải bắt nguồn từ nỗ lực tự thân của mỗi người dân tự tin - quyết liệt trong giảm nghèo, tự trọng - nói không với hoa hồng và lợi ích nhóm, xuất phát từ lợi ích của người tiêu dùng và của chính mỗi doanh nghiệp trong cung cấp các sản phẩm có chất lượng. Nhưng cao hơn, còn ở hệ thống pháp lý đủ mạnh, với cách thức quản lý, điều hành và hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước.
Tự chủ kinh tế, phải tự chủ từ tư duy của mỗi ngành, mỗi cấp và mỗi người dân. Tự chủ trong điều kiện hội nhập, các giải pháp hỗ trợ cần cụ thể và mạnh mẽ hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, để mỗi chủ thể của nền kinh tế không chỉ đủ sức cạnh tranh, đứng vững trên chính sân nhà; Để khẩu hiệu người Việt ưu tiên dùng hàng Việt được cả triệu người trân trọng, tin yêu, thành hiện thực ngày ngày. Tự chủ kinh tế, phải mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong điều kiện mới.