Đối thoại để cùng hành động

Theo Báo Đầu tư

Rất nhiều vấn đề liên quan đến cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đã được cộng đồng doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư khuyến nghị phải sửa đổi tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF 2012). Và từ phía Chính phủ, các cam kết cải cách cũng đã được nhấn mạnh.

Đối thoại để cùng hành động
Thực ra, không phải đợi tới khi cộng đồng DN lên tiếng, đứng ở vị trí là người đứng đầu cơ quan đầu mối điều phối các cơ quan chính phủ Việt Nam trong giải quyết các vướng mắc của cộng đồng DN, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, khi phát biểu tại phiên khai mạc VBF cũng đã bày tỏ sự mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp từ các nhà đầu tư, để Việt Nam có thể tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Mặc dù đã rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng hiện vẫn còn rất nhiều điểm yếu trong các vấn đề bảo vệ nhà đầu tư, cung cấp điện năng, thành lập, giải thể doanh nghiệp… mà Việt Nam cần khắc phục. Trong bối cảnh kinh tế quốc tế và khu vực đã thay đổi nhanh chóng, thì cải thiện môi trường đầu tư, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, sau khi nghe ý kiến của cộng đồng DN liên quan đến các quan ngại về ổn định kinh tế vĩ mô, nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, quản lý giá, chi phí lao động…, mặc dù “không nằm trong chương trình nghị sự”, song cũng đã “xin phát biểu ít phút trước khi giải lao” để khẳng định rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ coi khó khăn của DN là khó khăn của chính mình, thành công của DN và nhà đầu tư cũng là của chính mình.

“Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến các DN, các nhà đầu tư, coi đây là nhân tố cho sự phát triển của nền kinh tế”, Phó thủ tướng nhấn mạnh và cho biết, sang năm 2013, các vấn đề liên quan đến nợ xấu, cải cách DN nhà nước sẽ được quyết liệt thực hiện và Chính phủ sẽ làm được. Đặc biệt, Chính phủ sẽ quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan tới tiếp cận vốn, hạ lãi suất, sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN theo hướng giảm thuế suất, đồng thời rà soát phí và lệ phí để đảm bảo không tăng chi phí cho DN.

Thông điệp và cam kết nhất quán từ phía Chính phủ đã được đưa ra, song điều quan trọng hơn, cộng đồng DN chờ đợi các vướng mắc cụ thể của họ được giải quyết.

Tại Diễn đàn, ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, rất nhiều vấn đề liên quan tới thuế thu nhập DN của nhà đầu tư sẽ được sửa đổi trong Luật Thuế thu nhập DN, dự kiến được sửa đổi trong năm 2013, theo hướng hợp lý hơn và theo kiến nghị của cộng đồng DN. Trong khi đó, thay mặt Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng, ông Tony Foster, Trưởng nhóm, thẳng thắn khuyến nghị rằng, Chính phủ nên đứng ra bảo lãnh ngoại hối cho những dự án chủ đạo có nhà tài trợ, nhóm tài trợ uy tín. “Chính phủ Việt Nam hiện nay quy định bảo lãnh bằng ngoại tệ chỉ bao gồm 30% tổng doanh thu sau khi đã trừ chi phí phát sinh tính bằng nội tệ. Nhưng quy định này không thể khiến các nhà đầu tư, tài trợ nước ngoài yên tâm”, ông Foster nói và có ý đề nghị nâng mức bảo lãnh bằng ngoại tệ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, khi trả lời kiến nghị của cộng đồng DN đã khẳng định rằng, các quy định hiện hành về bảo lãnh bằng ngoại tệ đã là một sự nỗ lực lớn của Chính phủ Việt Nam. “Việc bảo lãnh phải dựa trên khả năng cân đối ngoại tệ của Việt Nam”, ông Phương nói và nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang rất nỗ lực để phát triển hạ tầng cơ sở, tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển của Việt Nam.

Để giải quyết các khuyến nghị của cộng đồng DN về vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, Chính phủ Việt Nam đang cố gắng kiện toàn tổ chức Ban chỉ đạo về PPP, xem xét nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi Quyết định 71 về thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, xây dựng danh mục dự án thí điểm PPP, cũng như dùng vốn ngân sách bố trí cho các dự án PPP thí điểm… “Điều này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trong thực hiện mô hình PPP, nhằm thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam”, ông Phương nhấn mạnh.hính cho DN phát triển trở lại.