Đổi tiền mới hưởng phần trăm chênh lệch là vi phạm pháp luật
Theo Luật sư Ngô Quí Linh - Giám đốc Công ty luật TNHH MTV Mai Đăng Khang cho biết, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP, ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Đến hẹn lại lên, mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới để mừng tuổi, đi đền chùa đầu năm lại sôi động. Tuy nhiên hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân.
Hoạt động bí mật và tinh vi hơn
Nếu như trước đây, cứ gần Tết, hàng loạt các quầy đổi tiền lẻ, tiền mới xuất hiện ở các khu vực đền chùa, miếu mạo hoặc tuyến phố chính thì những năm trở lại đây, các dịch vụ này rút vào hoạt động bí mật hơn trên các trang mạng xã hội. Không chỉ quảng cáo dịch vụ trên trang cá nhân, nhiều người cung cấp dịch vụ còn len lỏi cả trong các hội nhóm cộng đồng, cư dân để tìm kiếm "khách hàng tiềm năng".
Theo khảo sát của phóng viên, phí đổi tiền mới tùy theo mệnh giá, mệnh giá càng nhỏ thì phí đổi càng cao, đổi càng nhiều phí càng giảm. Các mệnh giá 5.000, 10.000, 20.000, 50.000 đồng là khoảng 60.000 đồng/triệu đồng; mệnh giá 100.000 đồng, phí đổi tiền là 55.000 đồng/triệu đồng, giảm còn 100.000 đồng/2 triệu đồng; giá đổi USD mới là 60.000 - 70.000 đồng/tờ 2 USD, nếu đổi nhiều thì giá giảm xuống dưới 60.000 đồng/tờ 2 USD... Riêng tiền 500 đồng là hàng hiếm, nên phí đổi lên tới 350 nghìn cho 100 tờ.
Tuy nhiên, đổi tiền mới qua mạng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng thời cơ, đánh vào tâm lý của người muốn đổi tiền để thực hiện hành vi lừa đảo. Thực tế đã có không ít người thực hiện giao dịch đổi tiền mới nhưng khi nhận lại tiền được đổi thì không đủ như cam kết hoặc chỉ có vài tờ tiền mới ở phía ngoài cọc tiền còn lại bên trong là tiền cũ nát, thậm chí khi nhận lại là tiền giả. Các nạn nhân muốn trình báo công an cũng rất khó vì không biết chính xác đối tượng lừa đảo là ai, địa chỉ ở đâu.
Theo Luật sư Ngô Quí Linh - Giám đốc Công ty luật TNHH MTV Mai Đăng Khang cho biết, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP, ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời đều là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật có thể bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 12 và 13 của Thông tư số 25/2013/TT-NHNN ngày 2/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Sở giao dịch NHNN, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới có chức năng thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Mới đây, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Công điện 01/CĐ-NHNN, yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tăng cường phối hợp kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong mua bán ngoại tệ, vàng và đổi tiền không đúng quy định. NHNN khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với dịch vụ đổi tiền lấy phí đang diễn ra trên mạng vì không những vi phạm pháp luật mà còn có nguy cơ gặp phải tiền giả, hoặc bị "bùng" tiền đặt cọc...
Thay đổi thói quen để nhanh, tiện và vui hơn
Để tránh “tiền mất, tật mang”, các chuyên gia khuyến nghị, quy định pháp luật đã hết sức cụ thể và rõ ràng, người dân nên tìm đến các cơ sở được phép đổi tiền để thực hiện giao dịch nếu có nhu cầu, không nên tin tưởng vào các cá nhân đăng bài quảng cáo trên mạng xã hội khi mình không có thông tin nhân thân chính xác để tránh tiền mất thật mà tiền mới thì không có. Thay vì vất vả tìm cách đổi tiền mới, người dân có thể sử dụng các dịch vụ lì xì trực tuyến của ngân hàng hoặc các trung gian thanh toán.
Chị Minh Hường (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) chia sẻ, từ Tết Nguyên Đán mấy năm trước, chị đã không còn chạy khắp nơi tìm đổi tiền mới để làm quà mừng tuổi nữa, vừa mất công mất sức, lại còn tiếp tay cho những kẻ trục lợi. Chị quan niệm rằng, việc mừng tuổi không nằm ở trị giá bao nhiêu, tiền cũ hay mới mà ở những thông điệp mà người mừng tuổi muốn gửi gắm tới người nhận. Chính vì vậy, chị lựa chọn lì xì bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng, ví điện tử để văn hóa mừng tuổi may mắn đầu năm trở thành một hoạt động vui, chứ không phải nặng nề là tiền mới, tiền cũ.
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), nhu cầu rút tiền mặt của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển tiền nhanh 24/7, thanh toán quét mã QR. Đối với các giai đoạn cao điểm như dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán, NAPAS luôn chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng về hệ thống và nguồn lực; xây dựng phương án, kịch bản ứng cứu sự cố và dự phòng cho các hệ thống thông tin quan trọng; tăng cường nhân sự liên tục trực 24/7 để sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng, trung gian thanh toán và doanh nghiệp.