Đòn bẩy để trở thành “quốc gia số”

Theo Đan Thanh/daibieunhandan.vn

55 triệu dân sử dụng mạng xã hội, lượng điện thoại thông minh dự báo tăng lên 38 triệu chiếc vào năm 2020… đây rõ ràng là cơ hội lớn để nước ta phát triển kinh tế số. Các đòn bẩy chính sách cho đầu tư và tăng trưởng kinh tế số đã được bàn luận trong hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sáng qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều cơ hội phát triển nhưng vẫn thụ động

Theo Báo cáo Quốc gia Số 2017 của AlphaBeta - doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ tham mưu chiến lược kinh tế cho khách hàng tại Australia và châu Á, Việt Nam hiện đứng thứ 11/11 nước và vùng lãnh thổ khu vực châu Á - Thái Bình Dương về kinh tế số.

Trong đó, đáng chú ý, Việt Nam đứng chót bảng ở 3 trong 4 yếu tố cấu thành của một “quốc gia số”, đó là: Vốn tài chính (mức độ sẵn có của vốn và số lượng phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của các công ty công nghệ trên thị trường chứng khoán); vốn con người (cường độ ứng dụng tính theo  giá trị phần trăm tổng số việc làm trong nền kinh tế, năng lực quốc gia trong thu hút và giữ chân nhân tài); cộng đồng số (số lượng công ty khởi nghiệp trong nước, tổng vốn hóa thị trường của 3 công ty công nghệ hàng đầu trong nước).

Mặc dù vậy, chuyên gia Kinh tế vi mô kiêm Giám đốc Điều hành AlphaBeta Konstantin Matthies nhận định, “cuộc đua giành vị trí dẫn đầu trong ngành công nghệ số vẫn còn để ngỏ”. Bởi lẽ, báo cáo của AlphaBeta chỉ ra không có quốc gia nào chiếm ưu thế trên mọi lĩnh vực.

Mặt khác, “Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển kinh tế số”, chuyên gia của AlphaBeta bình luận. Theo đó, năm 2014, hơn 7% nhà xuất bản ứng dụng hàng đầu tại các thị trường ứng dụng lớn nhất châu Á đến từ Việt Nam. Năm 2015, doanh thu nền kinh tế ứng dụng của Việt Nam ước đạt 500 triệu USD.

Dự báo giai đoạn 2015 - 2020, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 5 tỷ USD từ tăng trưởng internet di động… Tuy nhiên, cơ hội công nghệ số của khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang đứng trước nhiều rào cản, hạn chế về kỹ năng khi chỉ khoảng 20% dân số trên 25 tuổi hoàn thành trung học; độ thâm nhập băng thông rộng dưới 50%...

Đáng chú ý hơn cả, theo Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Thanh Hưng, “Việt Nam vẫn là quốc gia thụ động trong kinh tế số. Điều này đã được AlphaBeta nhắc đến từ một năm trước nhưng bây giờ, chúng ta vẫn thụ động”. Biểu hiện là vẫn phải chờ đợi đầu tư trực tiếp nước ngoài, thay vì thu hút, giữ chân và khuyến khích các công ty đa quốc gia.

Bên cạnh đó, chưa thực sự hỗ trợ các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thậm chí còn đặt ra nhiều quy định ảnh hưởng đến tiếp cận thị trường như  bắt buộc phải đăng ký kinh doanh tại địa phương… “Chúng ta cứ nói đến quốc gia khởi nghiệp nhưng khi xem xét các chính sách thì nhiều quy định lại là gáo nước lạnh đối với doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Hưng bình luận.

Chính sách thuế đồng bộ quan trọng hơn thuế suất

Việc phát triển kinh tế số, trở thành quốc gia số sẽ mang lại nhiều cơ hội để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Đơn cử, nếu áp dụng công nghệ số sẽ giảm các rào cản xuất khẩu và thời gian, chi phí cho khối doanh nghiệp này.

Theo đó, với kịch bản truyền thống, trong lĩnh vực sản xuất, khối doanh nghiệp này sẽ phải mất khoảng 255.000 - 1 triệu USD chi phí gia nhập thị trường và chi phí hoạt động tại nước ngoài, nhưng khi áp dụng kịch bản số sẽ giảm 40% chi phí xuống còn 155.000 - 675.000  USD. Còn đối với lĩnh vực dịch vụ, chi phí này giảm 82%, từ mức 430.000 - 4,1 triệu USD xuống còn 250.000 -  755.000 USD.

Tuy nhiên, chính sách hiện nay đang là rào cản trong việc phát triển kinh tế số. Do vậy, theo giới phân tích, đã đến lúc phải xác định được đòn bẩy chính sách để đưa Việt Nam trở thành Quốc gia Số.

Nhóm nghiên cứu của AlphaBeta chỉ ra, tài năng số, môi trường thúc đẩy đầu tư công nghệ và chính sách thuế là những đòn bẩy chính sách quan trọng nhất. Theo đó, trong bối cảnh Việt Nam có một đội ngũ nhân tài lập trình được quốc tế tôn trọng và đánh giá cao, Chính phủ cần bảo đảm môi trường pháp lý an toàn và thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ.

Bên cạnh đó, để khuyến khích tài năng số, cần chuyển đổi từ tư duy về nghề nghiệp trở thành tư duy về kỹ năng. Kinh nghiệm ở Ấn Độ cho thấy, khi có các kỹ năng số sẽ tăng thu nhập trung bình lên 30% ở tất cả các ngành.

Ngoài ra, trong lĩnh vực thuế cần bảo đảm sự thống nhất và minh bạch. Đây là vấn đề cốt lõi, quan trọng hơn mức thuế suất. Đồng thời, Chính phủ cần đánh giá được những tác động của các quy định thương mại đối với môi trường đầu tư và năng lực của các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ trong việc tận dụng các cơ hội thương mại mà nền kinh tế số mang lại.

Xuất phát từ thực tế hoạt động của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa trong xuất khẩu trực tuyến hiện nay, Chủ tịch VECOM Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, điểm yếu nhất trong chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp này là thiếu đồng bộ.

“Ngoài hiệp hội ra thì dường như không một bộ, ngành nào thực sự phối hợp để giúp khối doanh nghiệp này trong xuất khẩu trực tuyến”, ông Hưng cho biết. Do vậy, Chủ tịch VECOM khuyến nghị các bộ, ngành cần coi khối doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ tham gia xuất khẩu trực tuyến là tiềm năng để cùng khai thác, từ đó có các chính sách cho phù hợp.