Năng lực cạnh tranh của các công ty chứng khoán trong điều kiện hiện nay
Sau gần 20 năm đồng hành cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, các công ty chứng khoán đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành chủ thể trung gian quan trọng trên thị trường, cung cấp hầu hết mọi dịch vụ từ môi giới, bảo lãnh phát hành, tư vấn…
Tuy nhiên, trong quá trình cạnh tranh, nhiều công ty chứng khoán tiềm lực yếu sẽ bị đào thải hoặc bị sáp nhập và thị trường chỉ còn lại những công ty có năng lực, cung cấp được những dịch vụ làm thỏa mãn tối ưu nhu cầu của khách hàng. Bài viết đánh giá thực trạng hoạt động của các công ty chứng khoán hiện nay tại Việt Nam và đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các công ty trong thời gian tới.
Tình hình hoạt động của công ty chứng khoán hiện nay
Kể từ khi thị trường chứng khoán (TTCK) thành lập đến nay, số lượng công ty chứng khoán (CTCK) tại Việt Nam phát triển không ổn định, giai đoạn đầu số lượng CTCK khá ít, khoảng 12 CTCK. Tuy nhiên, số lượng CTCK tăng nhanh, đạt đỉnh 105 CTCK vào năm 2012.
Tiếp đó, theo đề án tái cấu trúc, nhiều CTCK yếu kém đã bị dừng hoạt động, một số CTCK phải sát nhập vào CTCK khác. Như vậy, hiện nay trên TTCK Việt Nam vẫn còn hơn 70 CTCK hoạt động, số lượng này vẫn còn rất cao so với mục tiêu 30 CTCK do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề ra đến năm 2022.
Về tình hình tài chính: Các CTCK hoạt động trong một lĩnh vực đặc thù, cần yêu cầu vốn pháp định với các nghiệp vụ chứng khoán, do đó năng lực tài chính có ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh giữa các CTCK. Công ty có tiềm lực tài chính mạnh, nguồn vốn lớn và ổn định có nhiều lợi thế phát triển sản phẩm, mạng lưới, thương hiệu cũng như đầu tư con người. Những điều này sẽ giúp công ty có thể nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về quy mô vốn điều lệ CTCK: Theo quy định của Luật Chứng khoán, CTCK cần vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng để có thể triển khai hết 4 nghiệp vụ chứng khoán cho phép là môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành và tư vấn.
Qua hình 1 có thể thấy, kể từ năm 2008 đến nay, vốn điều lệ của các CTCK không ngừng tăng lên, giúp các CTCK dễ dàng mở rộng hoạt động, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ hơn cho thị trường. Tính đến ngày 31/12/2017, CTCK có quy mô vốn điều lệ lớn nhất là CTCK Sài Gòn SSI với 5.000 tỷ đồng và công ty có vốn điều lệ nhỏ nhất là Công ty TNHH tư vấn đầu tư chứng khoán TC capital Việt Nam với 10 tỷ đồng.
Trong tổng số các CTCK ở thời điểm này, có 38 CTCK có mức vốn điều lệ trên 300 tỷ đồng, chiếm 47% (trong đó: Có 9 công ty có mức vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, chiếm 11% trong tổng số) và còn lại có 43 CTCK có quy mô vốn điều lệ dưới 300 tỷ đồng, chiếm 53%, theo quy định của Luật Chứng khoán 2006, các công ty này không thể cung cấp đầy đủ 4 nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo quy định.
- Cơ cấu doanh thu CTCK qua các năm: Trong tỷ trọng doanh thu của CTCK những năm qua, doanh thu từ mảng hoạt động tự doanh luôn chiếm trọng số cao nhất, tiếp đến là doanh thu hoạt động khác như quản lý danh mục, lưu ký chứng khoán, lãi tiền gửi, lãi margin… trong khi đó, hoạt động bảo lãnh phát hành của các CTCK gần như tê liệt, mang lại trọng số doanh thu quá nhỏ.
- Doanh thu, chi phí và lợi nhuận của CTCK: Tổng doanh thu và lợi nhuận của các CTCK giai đoạn 2012 đến 2016 có xu hướng tăng mạnh nhưng không đồng đều...
Về cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ: Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của TTCK, cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ thông tin (CNTT) đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển của các CTCK, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh CTCK.
Trên nền tảng hệ thống cơ sở vật chất tốt, công nghệ tiên tiến hiện đại, các CTCK sẽ dễ dàng triển khai được những sản phẩm dịch vụ mới với chi phí thấp nhất và hiệu quả.
Tính đến thời điểm cuối năm 2016, hầu hết các CTCK đều đã đồng bộ hệ thống công nghệ cho phép nhà đầu tư giao dịch trực tuyến với Sở. Các CTCK cũng thường xuyên nâng cấp hệ thống nhận lệnh giao dịch của nhà đầu tư…
Về năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực: Trong nhiều năm qua, các CTCK đã bắt đầu chú trọng đến vấn đề quản trị công ty, đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường quản trị rủi ro, tái cấu trúc để đảm bảo hoạt động công ty tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, thực tế đa phần các CTCK đều có tuổi đời non trẻ, lại hoạt động trong một lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro bao gồm cả rủi ro khách quan cũng như chủ quan nên hoạt động quản trị doanh nghiệp tại các CTCK vẫn còn nhiều bất cập. Có thể thấy, một số vấn đề về quản trị doanh nghiệp tại CTCK Việt Nam hiện nay:
- Cơ cấu HĐQT tại CTCK: Theo Điều 11 Thông tư số 121/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về quản trị công ty, số lượng thành viên HĐQT ít nhất là 3 người và nhiều nhất là 11 người. Hiện nay, 100% các CTCK đều duy trì số lượng thành viên HĐQT theo đúng quy định. Tuy vậy, tính độc lập của HĐQT tại các CTCK chưa cao.
Hiện tại, mới chỉ có 60 CTCK tuân thủ quy định Thông tư 121/2012/TT-BTC, trong đó có 45 công ty duy trì tỷ lệ thành viên HĐQT ở mức lớn hơn một phần ba. Đặc biệt, số lượng CTCK không tuân thủ khá cao, ở mức 24/85 công ty. Thậm chí, có tới 11 CTCK có 100% số lượng thành viên HĐQT kiêm điều hành.
- Về công bố thông tin: Đến nay, khuôn khổ pháp lý về công bố thông tin trên TTCK Việt Nam gần như đã hoàn thiện, giúp cho việc công khai thông tin trở thành điều kiện pháp lý bắt buộc, thúc đẩy công khai, minh bạch trên thị trường.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vi phạm về công bố thông tin. Tính từ năm 2012 đến cuối năm 2016, có tới 60 CTCK đã từng có vi phạm, bị xử phạt, trong đó phần nhiều liên quan đến vấn đề minh bạch. Điều này thể hiện ý thức về minh bạch và công bố thông tin của một bộ phận CTCK còn thấp.
Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty chứng khoán
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, trong thời gian tới, CTCK cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau đây:
Một là, nâng cao tiềm lực tài chính để triển khai các dịch vụ mới, đặc biệt là phái sinh và chứng quyền nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. TTCK Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, nhiều sản phẩm mới được tung ra thị trường.
Tuy nhiên, để có thể cung cấp được những sản phẩm này, các CTCK cần phải tăng quy mô vốn để nâng cao tiềm lực tài chính thông qua việc huy động từ các nhà đầu tư, phát hành thêm cổ phiếu cho đối tác chiến lược, phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu…
Hai là, nâng cao năng lực vốn trí tuệ các CTCK. Theo đó, với đặc thù cung cấp sản phẩm dịch vụ, yếu tố nhân lực được đẩy lên hàng đầu. Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ, lương thưởng hợp lý, cạnh tranh cũng như cơ hội thăng tiến rộng mở đề giữ chân hoặc thu hút nhân tài.
Ba là, phát triển hệ thống công nghệ có chiều sâu. Theo đó, trong quá trình đổi mới CNTT, các CTCK cần chú ý đến xu thế hội nhập trong TTCK cũng như sự kết nối hệ thống giao dịch các nước, niêm yết chéo giữa các TTCK.
Ngoài ra, hệ thống CNTT phải gắn liền và tương thích với hệ thống CNTT của các sở giao dịch chứng khoán. Việc phát triển hệ thống CNTT còn phải tính đến những thay đổi trong tương lai, đi tắt đón đầu công nghệ để đi đầu trong cạnh tranh với CTCK trong nước và bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Đặc biệt, phải chú ý đến vấn đề an toàn, an ninh mạng nhằm đảm bảo tính bảo mật của cơ sở dữ liệu thông tin nhà đầu, tiền và chứng khoán của khách hàng. Do vậy, khi xây dựng và phát triển hệ thống CNTT, các CTCK phải chú ý những mấu chốt sau:
- Tốc độ, khối lượng và quy mô thực hiện giao dịch chứng khoán ngày càng tăng. Vì vậy, hệ thống CNTT phải được thiết kế theo hệ thống mở, khi cần có thể gia tăng công suất và tốc độ xử lý
- Hệ thống CNTT phải có khả năng tham số hóa tốt để thích ứng với những thay đổi trong tương lai.
- Bảo đảm chi phí giao dịch cho khách hàng mở mức độ thấp nhất và thời gian giao dịch là ngắn nhất. Đây là yếu tố đảm bảo mức độ hài lòng của khách hàng cũng như giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của CTCK.
- Nâng cao tính an toàn, bảo mật cũng như hạn chế rủi ro cho khách hàng và CTCK. Đảm bảo kiểm soát tốt mọi thông tin liên quan đến tài khoản của khách hàng.
- Có khả năng lưu trữ thông tin, dự báo nhu cầu thị trường, ước lượng nhu cầu tài chính cần thiết theo đặc tính thị trường. Với chức năng này, CTCK sẽ dễ dàng triển khai và mở rộng hệ thống dịch vụ chứng khoán cũng như nâng cao chất lượng của dịch vụ hiện có.
- Đảm bảo khả năng kiểm soát nội bộ một cách hữu hiệu, hạn chế mọi rủi ro từ đạo đức và nghiệp vụ có thể phát sinh khi sử dụng hệ thống CNTT. Muốn vậy, việc phân quyền, phân cấp trong quản lý và sử dụng phải được tiến hành một cách dễ dàng. Hệ thống CNTT cần phải thực hiện nhanh chóng việc thống kê, in bảng biểu các văn bản phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán.
- Hệ thống CNTT phải được thiết kế để dễ dàng tích hợp thêm những tiện ích mới cho khách hàng như việc kết nối với ATM, truy vấn tài khoản online, chuyển tiền online, ứng trước tự động hay cho phép khách hàng mở tài khoản ở chi nhánh này có thể đặt lệnh ở chi nhánh khác.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2006), Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11;
2. Bộ Tài chính, Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 26/07/2012 quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng;
3. Báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán;
4. Nguyễn Hữu Thắng (Chủ biên) (2009): Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, NXB Chính trị Quốc gia;
5. Nguyễn Thị Thuận (2003): Mô hình hoạt động của ngân hàng đa năng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Hà Nội.