Dọn dẹp cơ cấu sở hữu chéo

Theo Báo Đầu tư

Để tránh nghẽn mạch tín dụng trong quá trình “dọn dẹp” sở hữu chéo, Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra một số giải pháp tình thế xử lý nợ xấu.

Dọn dẹp cơ cấu sở hữu chéo
Chặt bớt vòi bạch tuộc

Theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9 mới đây của Chính phủ, trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém. Nhiều chuyên gia kinh tế ví von, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay giống như những con bạch tuộc nhiều vòi. Với cơ cấu sở hữu chằng chịt, những chiếc vòi bạch tuộc này đang gây khó cho nền kinh tế. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng Việt Nam tăng cao thời gian qua. Do đó, tái cơ cấu ngân hàng phải bắt đầu từ việc xử lý những chiếc vòi này.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, trước đây, hệ thống ngân hàng của Hàn Quốc cũng có tình trạng sở hữu chéo như ở Việt Nam, các ông chủ ngân hàng lập các công ty sân sau để rót vốn, khiến hệ thống ngân hàng nước này gần như tê liệt vì nợ xấu. Vì vậy, khi tái cấu trúc ngân hàng, đồng thời với việc xử lý nợ xấu, Hàn Quốc đã cấm triệt để việc sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng, cấm các ông chủ ngân hàng được làm chủ các công ty con khác.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho hay, hiện có gần 40 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có sở hữu trên 5% tại các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần. Trong đó, có 3 nhóm sở hữu chéo tiềm ẩn nguy cơ đáng lo: nhóm sở hữu của các NHTM nhà nước tại các NHTM cổ phần, sở hữu lẫn nhau giữa các NHTM cổ phần, sở hữu NHTM cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân. Đáng lo nhất là, mối quan hệ giữa NHTM cổ phần với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức tạp, dẫn đến nguy cơ các NHTM này trở thành sân sau của cổ đông lớn. Tương tự, việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng cũng tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp sở hữu ngân hàng này dễ dàng vay được vốn từ ngân hàng kia.

Trên thực tế, cảnh báo trên không còn là nguy cơ, mà đã và đang hiện hữu. Chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí khẳng định, một luồng tiền của ngân hàng đang được đổ vào các công ty sân sau, với lãi suất siêu rẻ, thậm chí là 0%/năm. Chính vì vậy, nếu không “chặt” được sở hữu chéo, việc đưa ra phương án mua bán nợ xấu cũng xử lý phần ngọn, còn gốc rễ phát sinh nợ xấu vẫn còn nguyên.

Hiện một số “đại gia” tư nhân ngồi trên đống lửa. Một số đại gia đang từng bước thoái bớt vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng. Và dĩ nhiên, việc thoái vốn này không hoàn toàn do tự nguyện. Để đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng, thời gian tới, NHNN cần thúc ép để quá trình này diễn ra nhanh hơn.

Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên gia kinh tế, NHNN cần từng bước bắt buộc tất cả các tổ chức tín dụng phải niêm yết trên sàn chứng khoán để đảm bảo minh bạch, không tùy tiện bơm tiền cho các công ty sân sau.

Cổ đông lớn phải chịu thiệt nhiều nhất

TS. Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Tái cơ cấu ngân hàng cần có sự chia sẻ chi phí giữa ngân sách nhà nước, các ngân hàng thương mại và xã hội. Trong đó, các chủ cổ đông lớn - những người sở hữu ngân hàng - và những khách hàng có nợ xấu sẽ phải gánh chịu chi phí lớn hơn cả. Điều này là cần thiết để hạn chế rủi ro đạo đức”.

Nhiều ý kiến cho rằng, nợ xấu phát sinh mạnh thời gian qua không hẳn là do lỗi của ngân hàng, mà một phần do nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ. Tuy nhiên, nếu phân tích từ cơ cấu sở hữu, có thể thấy, một lượng vốn lớn được các ngân hàng rót vào công ty sân sau. Vì vậy, việc chủ sở hữu ngân hàng phải chịu thiệt lớn trong xử lý nợ xấu là công bằng.

Dĩ nhiên, việc “dọn dẹp” cơ cấu sở hữu chéo ở Việt Nam không thể trong một sớm một chiều. Trước mắt, để giải quyết tình trạng nghẽn mạch tín dụng, NHNN có thể đưa ra một số giải pháp tình thế để xử lý nợ xấu.

Ông Bùi Huy Thọ, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kiến nghị: “Cần khẩn trương hình thành định chế xử lý nợ xấu quy mô quốc gia. Trong khi nợ xấu chưa được giải quyết, đề nghị có thể tiếp tục cho phép những doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời, có khả năng sản xuất và tiêu thụ, nhưng thiếu vốn được khoanh nợ để tiếp tục vay vốn mới. Ngoài ra, phải nhanh chóng hoàn thiện cơ chế và tăng khả năng bảo lãnh tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.