Đón dòng vốn đầu tư Nhật


Các lĩnh vực bán lẻ, phân phối, sản xuất trong ngành nông nghiệp đang rất được các DN Nhật quan tâm.

 

Ngoài lĩnh vực bất động sản, đại diện một số quỹ đầu tư khác cũng tỏ ra lạc quan về dòng vốn đầu tư gián tiếp vào lĩnh vực bán lẻ, phân phối... năm 2011.

 Giải thích cho nhận định lạc quan về khuynh hướng đầu tư gián tiếp năm nay, đặc biệt là từ Nhật Bản, ông Hồ Văn Tuyên - phó giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn - Mekong - cho biết đang thực hiện tư vấn cho nhiều doanh nhân Nhật đầu tư vào các công ty VN. “Tôi không thể tiết lộ chi tiết của doanh nghiệp (DN) nhưng các lĩnh vực bán lẻ, phân phối, sản xuất trong ngành nông nghiệp đang rất được các DN Nhật quan tâm”, ông Tuyên kể.
 
 Theo ông Tuyên, doanh nhân Nhật đầu tư ra nước ngoài ngày càng nhiều vì tính bất ổn của thị trường trong nước và VN là một địa điểm được họ ưu tiên lựa chọn. Nhận định của ông Tuyên khá phù hợp với sự xuất hiện gần đây của một số DN tên tuổi ở Nhật như trường hợp Mini Stop, một thương hiệu nhánh hoạt động trong lĩnh vực cửa hàng tiện lợi thuộc Tập đoàn Aeon (Nhật Bản), hợp tác với chuỗi cửa hàng tiện lợi G7 Mart của Tập đoàn Trung Nguyên.
 
 Hay sự kiện mới đây là hai chi nhánh của Ngân hàng Mizuho Corporate Bank, Ltd. tại TP.HCM và Hà Nội được Ngân hàng Nhà nước VN cho phép mỗi chi nhánh tăng vốn từ 15 triệu USD lên 133,5 triệu USD cũng được giới đầu tư đánh giá là tín hiệu rất khả quan. “Sự tăng vốn mạnh mẽ của ngân hàng Nhật Bản này là dấu hiệu cho thấy sắp có đợt đầu tư mới của giới kinh doanh Nhật vào VN”, một nhà tư vấn đầu tư nhận xét. Tăng vốn đầu tư vào VN đã nằm trong kế hoạch đầu tư khoảng 1,2 tỉ USD vào việc mua cổ phần của các công ty ở thị trường châu Á được Mizuho công bố từ tháng 9 năm ngoái.
 
 Tại diễn đàn Tìm nguồn vốn trong kinh doanh và đầu tư diễn ra cuối tuần qua, bà Nguyễn Việt Quyên, giám đốc phát triển kinh doanh Quỹ đầu tư SEAF Blue Waters Growth (Mỹ), cũng nhận định lạc quan về khả năng giải ngân vốn trong năm nay cho các DN nhỏ và vừa. “Những DN nhỏ không có tài sản thế chấp nhưng họ có kế hoạch kinh doanh tốt, chúng tôi sẵn sàng bắt tay tài trợ vốn”, bà Quyên nói.
 
Theo bà Quyên, SEAF là quỹ đầu tư có cách làm riêng rất phù hợp với những DN nhỏ hoạt động theo mô hình kinh tế gia đình và không muốn bán cổ phần ra ngoài nhưng cần vốn để phát triển. SEAF cho vay tương tự như hoạt động ngân hàng nhưng không yêu cầu thế chấp tài sản.
 
 Trong khi hầu hết các quỹ đầu tư nước ngoài đều nhắm đến mục tiêu mua cổ phần của DN sau thời gian đầu tư sẽ bán lại kiếm lời thì SEAF cho vay với hạn mức nhỏ, chỉ từ 300.000-2,5 triệu USD. Ngoài lãi suất, tùy trường hợp đàm phán, SEAF còn được hưởng một khoản khác gọi là “chia sẻ DN” vào kỳ hạn cuối cho vay. Thị trường ngách này đã gặp được nhu cầu của khá nhiều DN nhỏ không vay được tiền của ngân hàng. Nêu một trường hợp phòng khám bệnh tư nhân, bà Quyên nói: “Họ không có tài sản thế chấp nhưng có đội ngũ bác sĩ giỏi và một kế hoạch kinh doanh tốt nên chúng tôi quyết định đầu tư”.
 

Theo Lê Nguyên Minh

Tuổi trẻ