Đòn gió
Sau 180 ngày kể từ khi Đạo luật Chống lại những kẻ thù của Mỹ thông qua hành động trừng phạt (CAATSA) có hiệu lực, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách đi kèm, gồm những nhân vật có ảnh hưởng của Nga và thân cận với Tổng thống Vladimir Putin - còn được gọi là “Danh sách Kremlin”.
Động thái gây tranh cãi
“Danh sách Kremlin” gồm 114 nhân vật trong Chính phủ và 96 lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có nhiều tài phiệt Nga, được công bố theo yêu cầu của CAATSA, lệnh trừng phạt Nga được Quốc hội Mỹ thông qua tháng 7/2017, nhằm đáp trả Moscow trước nghi vấn can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, những nhân vật có tên trong danh sách này tạm thời không phải đối mặt với lệnh trừng phạt mới của Mỹ.
Động thái của chính quyền Trump đã khiến cả Moscow và Đồi Capitol bất bình. Tổng thống Nga Putin cho rằng, đây là hành động thiếu thân thiện. Theo ông Putin, danh sách của Washington không chỉ là đòn giáng vào Chính phủ và doanh nghiệp Nga, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ người dân và đất nước này.
Aleksey Chepa, Phó Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga mô tả, việc Mỹ công bố danh sách trên là một động thái nữa làm phức tạp thêm quan hệ Nga - Mỹ. Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga thì chế giễu, dường như Mỹ chỉ copy quyển danh bạ của Kremlin.
Một số nghị sĩ Mỹ trước đó đã chỉ trích việc ông Trump tìm cách trì hoãn ký ban hành CAATSA, nay càng thêm bất bình khi Nhà Trắng tuyên bố không có kế hoạch áp thêm lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng, chính quyền Trump quá nể nang và né tránh đối đầu với cựu thù của Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, đây là bằng chứng cho thấy ông Trump có liên hệ với Moscow trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Miễn cưỡng trừng phạt
Công ty xếp hạng tín dụng của Nga ACRA cho biết, danh sách của Mỹ không ảnh hưởng đáng kể tới sự ổn định tài chính nước này. Mặc dù Danh sách Kremlin chưa phải danh sách trừng phạt, như Bộ tài chính Mỹ đã tuyên bố, song các nhà phân tích cho rằng, những chính trị gia và doanh nhân Nga có tên sẽ lo lắng về việc có thể nằm trong danh sách trừng phạt trong tương lai.
Mặc dù vậy, trên thực tế, chính quyền Trump đã tỏ rõ thái độ không muốn gia tăng biện pháp trừng phạt Nga. Tổng thống Donald Trump chỉ đặt bút ký ban hành CAATSA vào phút chót, cũng như công bố danh sách điểm tên những nhân vật thân cận của Kremlin khi thời hạn công bố danh sách đi kèm yêu cầu của đạo luật gần hết hạn. Theo luật này, Bộ Ngoại giao Mỹ có trách nhiệm công bố danh sách các công ty trong nước và nước ngoài hoặc chính phủ đối mặt với các lệnh trừng phạt trong vòng 180 ngày kể từ khi luật có hiệu lực.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã dành những lời tốt đẹp để khen ngợi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, đồng thời bày tỏ mong muốn khôi phục quan hệ giữa hai nước. Theo giới phân tích, lý do ông Trump giữ thái độ mềm mỏng với Nga là bởi thời gian qua, Mỹ và Nga đã hợp tác tốt trong nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt là cuộc chiến chống khủng bố tại Syria và Iraq. Washington cũng cần Moscow để cùng giải quyết nhiều điểm nóng khác, trong đó có Triều Tiên, nơi Nga cũng có tiếng nói và tầm ảnh hưởng lớn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, việc thực thi các biện pháp trừng phạt Nga đã cản trở doanh thu quốc phòng của nước mày. Tuy nhiên, Washington cũng nhận thấy, tăng cường áp đặt trừng phạt có thể vấp phải phản ứng không thể lường trước từ Moscow. Do đó, việc cảnh báo trừng phạt Nga là đủ, bà Nauert nêu rõ.