Năm đầu cầm quyền của Tổng thống Donald Trump: Nước Mỹ ngoại lệ hay mới mẻ?
Ngày 20/1 đánh dấu tròn một năm Tổng thống Donald Trump nắm quyền tại Nhà Trắng. Vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ có nhiều quyết sách tranh cãi, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại. Sau “khúc dạo đầu” 365 ngày không ít sóng gió, năm 2018 sẽ trả lời cho câu hỏi đó là sự định hình cho một nước Mỹ thích ngoại lệ, hay đang hướng tới những điều mới mẻ?
Những điều chưa có tiền lệ
Việc Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền cách đây một năm đã làm thay đổi lập trường của Mỹ trong nhiều vấn đề then chốt. Nước Mỹ đã bước vào giai đoạn mới, từ chủ nghĩa ngoại lệ có tính hướng ngoại sang hướng nội. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng lợi ích của nước Mỹ không dựa vào quan hệ đối tác an ninh cùng có lợi ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Trung Đông.
Ông đã hủy bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), xem xét lại Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, đặt câu hỏi về tính hữu dụng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Những trụ cột hỗ trợ “chiến lược lớn” (ra đời trên cơ sở những dàn xếp của các cường quốc thời hậu Chiến tranh thế giới thứ 2) dường như bị lung lay trước tác động của những vấn đề mang tính hệ thống nói trên.
Đây cũng chính là những cam kết tranh cử nhấn mạnh các mối quan hệ song phương. Bên cạnh đó, Washington còn chỉ ra một loạt nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, tìm cách áp đặt các biện pháp bảo hộ theo hướng có lợi cho nước này, với lập luận rằng tình trạng mất cân bằng thương mại kéo dài là nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ trì trệ và người lao động Mỹ mất việc làm. Tất cả đều toát lên toan tính thực dụng của một nhà lãnh đạo xuất thân từ giới kinh doanh.
Dưới tác động của chiến lược mới mà Washington triển khai, nhiều mối quan hệ quốc tế cũng có chuyển động mới. Quan hệ của Mỹ với hai đồng minh truyền thống ở Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản nồng ấm hơn sau khi Seoul và Tokyo cam kết nâng mức đóng góp nhằm san sẻ gánh nặng chi phí bảo đảm an ninh, trong bối cảnh mối đe dọa từ Triều Tiên càng trở nên nguy cấp sau hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Quan hệ Mỹ - Trung tưởng chừng rất căng thẳng do ông Trump lúc tranh cử liên tục chỉ trích Bắc Kinh trong thâm hụt thương mại hay chính sách tiền tệ... cũng được cải thiện sau hàng loạt cuộc tiếp xúc trên tất cả các kênh, đáng kể nhất là 3 cuộc tiếp xúc của nguyên thủ hai nước.
Tuy nhiên, trong chiến lược an ninh quốc gia, Tổng thống Trump chỉ đích danh Trung Quốc cùng Nga là hai “đối thủ” cạnh tranh ảnh hưởng và đe dọa lợi ích của Mỹ cả trên phương diện quân sự lẫn kinh tế, đã cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn ở thế dò xét lẫn nhau. Quan hệ Mỹ - Nga, mặc dù đầu năm thuận lợi khi ông Trump công khai bày tỏ mong muốn cải thiện, nhưng rốt cuộc vẫn rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh khi hai bên liên tục có các biện pháp trả đũa ngoại giao, bắt nguồn từ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Quan hệ song phương Mỹ - Cuba bị đảo ngược, thụt lùi so với thời cựu Tổng thống Barack Obama. Quan hệ giữa Mỹ với hai nước láng giềng gần gũi Canada và Mexico vẫn trong trạng thái “nửa nọ, nửa kia” liên quan đến những tranh cãi trong đàm phán lại NAFTA. Quan hệ hai bờ Đại Tây Dương, giữa Mỹ với các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU) và NATO cũng bị sứt mẻ.
Đặc biệt, Tổng thống Trump đã có “nước cờ” mạo hiểm khi tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố thiêng này. Động thái ủng hộ ra mặt đối với đồng minh chiến lược Israel không chỉ khiến hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế bị suy giảm và Washington bị cô lập tại các diễn đàn đa phương, mà còn hủy hoại tiến trình hòa bình Trung Đông, gây nguy cơ tái bùng phát bạo lực tại khu vực được coi là “thùng thuốc súng” này.
Và những ngoại lệ tiếp theo
Các nhà bình luận cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ vốn có sự ổn định nhất định, nhưng đang cho thấy những ngoại lệ. Ông Robert B. Zoellick, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ và cựu Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Goldman Sachs, cho rằng “chính sách đối ngoại của ông Donald Trump đại diện cho sự đoạn tuyệt với chính sách của các tổng thống trước (dù thuộc đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa) kể từ thời Tổng thống Harry Truman”. Ông Trump cho rằng thế giới đang lợi dụng một nước Mỹ khờ dại và cả tin để đến lượt ông phải gánh vác nghĩa vụ lấy lại những gì đã mất cho nước Mỹ.
Với suy nghĩ này, những bước đi tiếp theo của Chính quyền Donald Trump sẽ minh chứng cho những gì ông đã cam kết trước khi bước vào Nhà Trắng. Câu chuyện công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel là một ví dụ: Ông Trump hứa sẽ làm như vậy trong chiến dịch tranh cử, sau đó không làm, sau cùng lại thực hiện điều này. Điều tương tự có thể xảy ra đối với việc xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran hay lời đe dọa trừng phạt thương mại Trung Quốc. Khi những bước đi này chưa xảy ra thì không có nghĩa sẽ không xảy ra, mà có thể đang trong quá trình xảy ra.
Suy cho cùng, các chính phủ trên thế giới cần tìm hiểu ông Trump có phải một hiện tượng ngoại lệ hay không, hay chỉ là “người tiền trạm” cho một nước Mỹ mới mẻ và buộc phải thay đổi. Qua một năm ông Trump cầm quyền, phần lớn giới chỉ trích của Mỹ vẫn coi ông là một hiện tượng khác thường đang quét qua chính trường Mỹ và thế giới. Thế nhưng ông Trump đã chứng minh rằng họ sai và có thể tiếp tục chứng minh rằng ông chỉ là một hiện tượng bình thường mới.