5 cuộc bầu cử có ảnh hưởng năm 2018
Năm nay sẽ diễn ra nhiều cuộc bầu cử quan trọng trên khắp các châu lục… Mặc dù vận mệnh của thế giới không hoàn toàn nằm ở diễn biến của chúng, nhưng trong các cuộc bỏ phiếu luôn xuất hiện thế lực mới, có thể tái định hình khu vực, điều chỉnh các liên minh và tạo ra những xu thế lớn trong tương lai.
Bầu cử Tổng thống Nga
Ngày 18/3 tới, Nga sẽ tổ chức vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống 2018. Nếu không có ứng cử viên nào giành đa số phiếu, vòng thứ hai sẽ diễn ra ngày 8/4.
Quyết định tái tranh cử của đương kim Tổng thống Vladimir Putin không khiến dư luận trong và ngoài nước ngạc nhiên, thậm chí nhiều người cho rằng dường như chắc chắn ông Putin sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ tư. Trong số ứng viên tuyên bố tranh cử, ông Putin luôn nắm giữ tỷ lệ ủng hộ ổn định, khoảng 80%, cao hơn rất nhiều so với các đối thủ, hầu hết dưới 10%. Điều này đã phần nào khẳng định vị thế của nhà lãnh đạo quyền lực nhất nước Nga.
Dưới sự chèo lái của Tổng thống Putin, Nga vượt qua những thách thức về kinh tế, cấm vận và ổn định chính trị. Không những thế, năm qua đã chứng kiến vị thế và ảnh hưởng ngày càng được củng cố của Nga trên trường quốc tế, đặc biệt tại Trung Đông. Sự gia tăng ảnh hưởng của Nga đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực vốn là đồng minh thân cận của Mỹ như Ảrập Xêút, Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ, thay đổi chính sách theo hướng tiến gần Moscow hơn.
Bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ
Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử Quốc hội (còn gọi là bầu cử giữa nhiệm kỳ, do diễn ra vào giữa nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống) dự kiến vào đầu tháng 11, với toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện và 33/100 ghế tại Thượng viện sẽ được bầu lại. Ngoài ra, 87/99 hội đồng lập pháp các bang cũng tiến hành bầu cử trong năm nay.
Đây được xem là cơ hội cho đảng Dân chủ giành lại kiểm soát Quốc hội, sau khi để mất cả hai viện vào tay đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2014. Nếu đảng Dân chủ giành được đa số ghế trong Quốc hội, chương trình lập pháp của đảng Cộng hòa sẽ bị thay đổi.
Các cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 cũng sẽ được triển khai quyết liệt hơn và các quyết sách của chính quyền Tổng thống Trump thời gian tới sẽ gặp nhiều trở ngại tại vòng phê chuẩn của Quốc hội. Tuy nhiên, khó có thể dự đoán kết quả bầu cử tại thời điểm này.
Bầu cử Quốc hội Cuba
Đây sẽ là cuộc bầu cử quan trọng ở khu vực Mỹ Latinh, đánh dấu sự chuyển giao quyền lực trong chính quyền Cuba sau gần 60 năm dưới sự lãnh đạo của anh em nhà Castro. Chủ tịch Cuba Raul Modesto Castro Ruz, 86 tuổi, em trai Lãnh tụ Cách mạng quá cố Fidel Castro, đã công bố ý định từ nhiệm vào tháng 4 tới, sau khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội dự kiến vào ngày 11/3. Quốc hội khóa mới sẽ nhóm họp và tiến hành bầu Chủ tịch Hội đồng nhà nước mới.
Người kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro sẽ gánh vác trọng trách như bảo vệ thành quả cuộc Cách mạng Cuba, giữ vững thành quả phát triển kinh tế mà Cuba đã đạt được thời gian gần đây và tiếp tục thực hiện các chương trình cải cách định hướng thị trường. Nhà lãnh đạo mới lên nắm quyền ở La Habana cũng sẽ quyết định tương lai quan hệ giữa Cuba với phần còn lại của thế giới, trong đó có Mỹ và phương Tây.
Tổng tuyển cử Italy
Sau các cuộc bỏ phiếu quan trọng diễn ra ở các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức… năm ngoái, đến lượt Italy chuẩn bị bước vào tổng tuyển cử, có ý nghĩa quan trọng không chỉ với riêng nước này mà cả khu vực. Cuộc đua giành ghế Thủ tướng ở Italy, dự kiến diễn ra tháng 5 tới, đang nóng lên từng ngày sau khi chính trị gia Luigi Di Maio tuyên bố trở thành ứng cử viên của đảng Phong trào 5 sao, không ủng hộ Liên minh châu Âu và đồng tiên chung euro.
Các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử cho thấy, chính trị gia này đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 28% và có tiềm năng trở thành Thủ tướng mới của Italy. Ông Maio từng được gọi là “Donald Trump của Italy”, nổi tiếng với những bài phát biểu chống EU.
Kết quả cuộc bầu cử Italy có ý nghĩa rất quan trọng với nền kinh tế khu vực và thị trường chứng khoán, cũng như chính sách nhập cư với người tị nạn mà quốc gia này đang ban hành. Chưa hết, một cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi EU tại Italy sẽ gây ra hậu quả lớn bởi nó có thể là khởi đầu cho quá trình “khai tử” đồng euro.
Bầu cử Tổng thống Hungary
Sau cuộc bầu cử Tổng thống Cộng hòa Séc diễn ra ngày 13 - 14/1 vừa qua, cuộc bầu cử Tổng thống Hungary được xem như cuộc trưng cầu dân ý về Liên minh châu Âu vào tháng 4 tới. Những năm gần đây, Hungary và các thành viên còn lại trong Nhóm Visegrad, gồm Séc, Ba Lan và Slovakia, ngày càng có nhiều động thái điều chỉnh chính sách xa rời các chính sách hội nhập châu Âu do Berlin và Brussels dẫn đầu.
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, người từng bị coi là “cái gai trước mắt” các nhà lãnh đạo EU như Thủ tướng Đức Angela Merkel, được dự báo có khả năng giành chiến thắng một lần nữa. Đảng cánh hữu Fidesz của Thủ tướng Viktor Orbán hiện dẫn trước các đối thủ. Đảng này hy vọng sẽ giành lại 2/3 số phiếu trong Quốc hội, điều cần thiết để thay đổi Hiến pháp. Để đạt được điều đó, ông Orbán đã vận động cả những công dân Hungary ở các quốc gia lân cận.
Trong khi đó, đảng Jobbik cực hữu là đối thủ lớn nhất của Fidesz và một số đảng cánh tả muốn lật đổ ông Orbán đang ủng hộ việc hợp tác với Jobbik. Tuy nhiên, mối đe dọa từ khoản tiền phạt 660 triệu forint (hơn 2 triệu euro) của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước có thể làm tổn thương cơ hội bầu cử của Jobbik. Cơ quan trên cho biết, đảng này đã nhận tài trợ chiến dịch tranh cử bất hợp pháp. Các nhà lãnh đạo của Jobbik đã gọi án phạt này là “án tử hình” đối với nền dân chủ Hungary.