Dồn lực cho cuộc chiến chống hàng giả trên thương mại điện tử
Công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ trên thương mại điện tử sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Quản lý thị trường
Thương mại điện tử - mặt trận đấu tranh mới
2023 là năm bản lề trước khi bước vào giai đoạn nước rút để hoàn thành mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2023-2025) và là năm đánh dấu 5 năm Tổng cục Quản lý thị trường hoạt động dưới mô hình ngành dọc tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Bám sát sự chỉ đạo, điều hành trong năm 2023 của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đã tập trung thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng đến công tác giám sát thị trường; kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên môi trường mạng; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ; đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường kỷ luật, kỷ cương...
Những kết quả của công tác Quản lý thị trường đã đóng góp vào hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Công Thương trong thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ việc điều chỉnh cung cầu hàng hóa; cũng như góp phần giữ ổn định giá các nguyên vật liệu quan trọng và các hàng hóa dịch vụ tiêu dùng thiết yếu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân từ đó bình ổn thị trường, từng bước làm lành mạnh môi trường kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhất là trong năm 2023, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, dẫn đến các cơ sở phải cắt giảm sự hiện diện trên phố để chuyển dịch hình thức kinh doanh sang online. Nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD thì đến năm 2022 con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ USD. Năm 2023, doanh thu thương mại điện tử ước đạt 20,5 USD. Cùng đó, hiện nay, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất trong Đông Nam Á với gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online khoảng 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.
Song, đi cùng với những cơ hội, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. “Trong năm 2023, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh” - lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường thông tin.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục, hiện nay, các hành vi vi phạm trên không gian mạng rất tinh vi, phức tạp và đa dạng. Vi phạm điển hình là bán hàng giả của các nhãn hiệu lớn liên quan đến hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ điện tử... Bên cạnh đó, tình trạng rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị, phá sóng... thậm chí là ma túy, chất kích thích đã và đang diễn ra tràn lan.
“Để ngăn chặn những hành vi vi phạm này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về lực lượng Quản lý thị trường, song, lực lượng không thể “đơn phương độc mã” trong cuộc chiến này được bởi, kiểm soát hàng vi phạm thương mại điện tử rất khó và cần sự phối hợp của nhiều lực lượng chức năng và các sàn thương mại điện tử” - lãnh đạo Tổng cục trưởng Quản lý thị trường nhấn mạnh và khẳng định, ngăn chặn hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng trong vòng 3 đến 5 năm tới.
Công nghệ - giải pháp hữu hiệu ngăn chặn hàng giả
Mặc dù đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, song vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, hàng nhập lậu lậu vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Trong năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Riêng lĩnh vực thương mại điện tử, toàn lực lượng đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng.
Gần đây nhất, đầu tháng 12/2023, qua thu thập thông tin, theo dõi website phoxedien.com có chủ sở hữu là Công ty TNHH xe điện xe máy Vinh Phát có địa chỉ tại Quận 12, TP. Hồ Chí Minh giới thiệu là nhà phân phối chính hãng của nhiều hãng xe: PEGA, KAZUKI, DK Bike, OSAKAR. Tuy nhiên, sau thẩm tra xác minh, lực lượng chức năng phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh của đơn vị này. Lãnh đạo Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường cho biết, dưới sự chỉ đạo của Tổng, Cục Nghiệp vụ QLTT đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang đồng loạt kiểm tra 10 chi nhánh thuộc chuỗi phoxedien.com. Sau 3 ngày kiểm tra, lực lượng tạm giữ trên 200 xe điện, xe máy các loại có dấu hiệu vi phạm để có cơ sở xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, đầu tháng 11/2023, tại Gia Lai, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên thường xuyên livestream bán hàng giả, chốt hàng trăm đến hàng nghìn đơn/ngày. Để kiểm tra cơ sở này, lực lượng Quản lý thị trường đã mất hàng ngàn giờ theo dõi các đối tượng livestream bán hàng. Thời điểm kiểm tra, la liệt hàng hiệu giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng được đối tượng đổ đống, ngổn ngang từ khu vựa phía ngoài cổng đến kho chứa trữ sâu bên hông khu vực nhà ở.
Phân tích các nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, một trong những lý do để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tồn tại là do một bộ phận người tiêu dùng dễ “bằng lòng” và thỏa hiệp với hàng giả. Và thực tế “có cầu thì mới có cung”, nhiều người tiêu dùng biết là hàng giả, nhưng vẫn chấp nhận bỏ tiền ra mua, dù biết người chịu thiệt hại trước tiên là mình.
Trong năm 2024, để ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, phải coi mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Thương mại điện tử, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử.
Có thể nói, việc ứng dụng các công nghệ chống hàng giả sẽ giúp minh bạch thông tin sản phẩm hàng hóa; tạo thuận lợi cho công tác quản lý, hỗ trợ đắc lực cho công tác chống gian lận thương mại. Bên cạnh đó, giúp các cơ quan thực thi truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác; phát hiện, loại bỏ những sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.