Đón luồng vốn vào trang web trực tuyến
(Tài chính) Hãng nghiên cứu thị trường comScore trong bản báo cáo hồi cuối năm ngoái đã nêu tên năm trang web bán lẻ có lượng truy cập lớn nhất ở Việt Nam, trong đó chỉ có một thuộc về doanh nghiệp nước ngoài là Lazada.vn, còn lại đều là các trang web do doanh nghiệp trong nước đầu tư. Thị trường thương mại điện tử cũng đang đón làn sóng đầu tư vào các trang web bán lẻ.
Một thị trường mở đầy thách thức
Đề cập đến cuộc nghiên cứu của comScore, ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc điều hành trang Bizweb.vn, cho rằng việc Việt Nam có số lượng lớn các trang web thương mại điện tử, trong đó có nhiều trang thành công, xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Trước hết, nhiều công ty thương mại điện tử trong nước có sự nhạy bén với thị trường, có sự chuẩn bị về tiềm lực và năng lực cạnh tranh, từ đó xây dựng lên các kế hoạch phát triển thị trường trong nước. Bên cạnh đó, có một nguyên nhân khách quan là ngành thương mại điện tử ở các nền kinh tế khác được phát triển trước Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cũng bước vào các thị trường kể trên sớm hơn nên họ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
Còn ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), lại cho rằng một trong những yếu tố quan trọng đó là sự năng động của các doanh nghiệp trong nước, họ khá nhanh nhạy trong việc cung cấp dịch vụ phù hợp với khách hàng nội địa.
Bản báo cáo của comScore cũng cho biết, trong năm trang web dẫn đầu tại Việt Nam thì Vatgia.com chiếm tới một nửa lượng tổng truy cập vào các trang này. Vatgia.com hiện có hơn 20.000 cửa hàng đăng ký bán hàng với doanh số giao dịch qua các gian hàng trong năm ngoái lên đến 5.000 tỉ đồng.
Trao đổi với Thời báo Vi tính Sài Gòn, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc điều hành của Vatgia.com, cũng đề cập đến một nguyên nhân khách quan, đó là quy mô nhỏ hẹp của thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện nay chưa thu hút được luồng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này nhiều như các quốc gia khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam cũng có điểm tương tự như Trung Quốc, đó là người tiêu dùng không thông thạo tiếng Anh như các nền kinh tế khác là Philippines, Indonesia, Singapore và Malaysia. Do đó, nếu nhìn ở khía cạnh tiêu cực thì thị trường thương mại điện tử Việt Nam là thị trường khó tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn ở khía cạnh tích cực thì các nhà kinh doanh trong nước khá giống với nhà kinh doanh Trung Quốc ở chỗ tiềm tàng năng lực làm thương mại điện tử, yêu thích và thích nghi nhanh với sự thay đổi của thiết bị công nghệ, nhanh nhạy trong việc tổ chức kinh doanh trên mạng và am hiểu thị trường địa phương.
Trong khi đó, nhiều người trong ngành lại cho rằng sở dĩ Vatgia.com thành công trong việc thu hút sự chú ý của người sử dụng Internet là vì ông Điệp đã có khoảng thời gian du học ở Nhật Bản và có cơ hội học cách thức và mô hình kinh doanh của nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu ở đất nước hoa anh đào này là Rakuten Ichiba. Hiện Vatgia.com cũng đang áp dụng phương pháp cam kết hoàn tiền 100% cho bất cứ người mua hàng nào gặp rủi ro trong quá trình giao dịch với các gian hàng trên ngôi chợ điện tử này.
Cuộc cạnh tranh nội _ ngoại sẽ quyết liệt
Bằng kinh nghiệm của một người từng nắm vị trí quản lý ở cơ quan chức năng chuyên ngành (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương), ông Hưng của VECOM cho rằng mặc dù hiện tại các trang web nội địa có vẻ đang làm chủ trên sân nhà nhưng điều này có thể sẽ thay đổi trong tương lai. Một khi các chính sách về thương mại và kinh doanh trên Internet ngày càng mang tính thực tế và thông thoáng hơn, cùng với việc lượng người dân sử dụng Internet ngày càng tăng, chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm hơn đến thị trường thương mại trực tuyến ở Việt Nam, và tình hình có thể sẽ khác đi trong vài năm tới.
Trong cộng đồng thương mại điện tử cũng đang nổi lên thông tin tập đoàn Rakuten Ichiba của Nhật Bản đang có ý định đặt chân vào thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam trong năm nay. Doanh nghiệp này hiện đang quản lý khoảng 40.000 gian hàng trực tuyến ở Nhật Bản, có lượng khách hàng lên đến 75 triệu người. Rakuten đã thâm nhập thị trường Thái Lan từ năm 2009 qua việc mua lại 67% cổ phần của Tarad.com. Năm 2010, tập đoàn này tiếp tục liên doanh với một công ty truyền thông ở Indonesia là Global Mediacom để thành lập mô hình bán lẻ Rakuten Belanja Online tại quốc gia này.
Trong khi đó, Rocket Internet – chủ sở hữu trang Lazada.vn – đang tăng tốc đầu tư ở khu vực Đông Nam Á. Nếu như đầu tháng 12 năm ngoái công ty này đã kêu gọi thành công thêm 120 triệu đô la Mỹ đầu tư cho hai trang web bán lẻ thời trang là Zalora (có mặt tại Việt Nam với phiên bản Zalora.vn) và Iconic (ở Úc), thì một tuần sau đó, tập đoàn này lại tiếp tục công bố tăng thêm 250 triệu đô la vốn đầu tư cho Lazada. Điểm đáng chú ý là phần lớn khoản đầu tư lần này đến từ Tesco Plc., tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Anh.
Không chỉ mạnh ở Việt Nam, Lazada cũng đang là mô hình bán lẻ trực tuyến hàng đầu tại Thái Lan và Indonesia. Khi nói về khoản đầu tư của Tesco vào Lazada, giới chuyên gia trong ngành bán lẻ đều cho rằng đây là bước đi hợp lý trong bối cảnh thủ tục đầu tư trong ngành bán lẻ và bài toán mặt bằng vẫn đang là những thử thách tại các thị trường Đông Nam Á.
Trong một lần trao đổi với báo giới, ông Phan Kim Đôn, Giám đốc điều hành Rocket Internet ở Việt Nam, cho biết dịch vụ khách hàng chu đáo kết hợp với khả năng tiếp thị trực tuyến tốt là cách giúp doanh nghiệp thành công ở nhiều thị trường.
Giới chuyên gia phân tích rằng cách tiếp cận thị trường của Rakuten và Rocket Internet có sự khác nhau. Nếu như Rocket Internet luôn tiến lên phía trước với tốc độ tên lửa (đúng như tên gọi) và tự tay xây dựng các sản phẩm (Lazada, Zalora…) thì Rakuten lại chọn phương thức chậm rãi và chắc chắn khi chủ động liên kết với các doanh nghiệp địa phương. Vì vậy, có nhiều khả năng nhà khổng lồ Internet của Nhật Bản sẽ thực hiện điều tương tự nếu họ quyết định tham gia thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam trong năm nay. Dù lời dự báo này sẽ hay không trở thành thực tế, không thể phủ nhận rằng thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang trong giai đoạn đón chờ sự sôi động đến từ nguồn lực bên ngoài.
Trong khi đó, ông Điệp cho rằng một yếu tố quan trọng khác làm nên thành công của hoạt động bán lẻ trực tuyến là con người. “Làm thương mại điện tử mà không tâm huyết thì rất khó quản lý vấn đề chất lượng của toàn bộ hệ thống bán hàng”, ông Điệp chia sẻ.
Theo ông Điệp, trong thương trường điện tử này, doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh về nguồn lực tài chính nhưng doanh nghiệp nội địa lại có ưu thế về sự am hiểu thị trường. Do đó, cuộc cạnh tranh trong thời gian tới sẽ rất quyết liệt và gay gắt.
Hiện Vatgia.com có hơn 1.000 nhân sự và tổng kinh phí đầu tư đến nay là khoảng 15 triệu đô la. Để chuẩn bị cho cuộc đua sắp tới, trang web này đang có ý định tìm nguồn vốn đầu tư nước ngoài khoảng 20 triệu đô la Mỹ. Nguồn tài chính lớn này dẽ được sử dụng cho việc nâng cao công nghệ, xây dựng các chiến lược tiếp thị và phát triển thị trường.