“Dồn sức” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Minh Anh

Trả lời chất vấn của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ đang xây dựng giải pháp chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) gia nhập thị trường, đủ khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững trong hội nhập, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN trong nước. Nguồn: internet
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN trong nước. Nguồn: internet

Đây cũng là mục tiêu tham vọng của Chính phủ nhằm đưa khu vực DN này trở thành một trong những động lực, trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới.

Chính sách hỗ trợ chưa đi vào chiều sâu

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN trong nước, trong đó có DNVVN như việc trình Quốc hội thông qua Luật DN, Luật Đầu tư năm 2014.

Chính phủ cũng đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ riêng cho khu vực DN này như Nghị định số90/2001/NĐ-CPngày 23/11/2001 về trợ giúp phát triển DNVVN; Nghị định số56/2009/NĐ-CPngày 30/6/2009 về trợ giúp phát triển DNVVN; Quỹ bảo lãnh DNVVN; Quỹ hỗ trợ phát triển DNVVN; Kế hoạch phát triển DNVVN giai đoạn 2006-2010, 2011-2015…

Nhìn một cách khách quan, các chính sách hỗ trợ cụ thể, có trọng tâm, thiết thực, hiệu quả, khơi thông các rào cản, hỗ trợ DNVVN khởi nghiệp, phát triển sáng tạo, tự chủ; Khơi dậy tiềm năng phát triển của hàng triệu hộ kinh doanh hiện nay tham gia vào khu vực DN này.

Kết quả khảo sát đánh giá “Mức độ hài lòng của DN” về cải cách thủ tục hành chính thuế do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp thực hiện mới đây cũng phần nào khẳng định điều này khi có 71% DN hài lòng với cải cách thủ tục hành chính, trong đó, riêng những quy định về chính sách, pháp luật thuế, có đến 92% DN cho rằng có sự chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, trong 5 năm qua, các biện pháp hỗ trợ DN nói chung vẫn chưa đáp ứng hết mong muốn của DN, nhiều chính sách mới dừng lại ở nội dung khuyến khích, thiếu sự liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành và nhiều địa phương chưa quan tâm thỏa đáng tới mục tiêu hỗ trợ DNNVV phát triển. Bên cạnh đó, các giải pháp mới chỉ chủ yếu triển khai theo chiều rộng, chưa đi vào chiều sâu, chính sách chung chung, thiếu giải pháp hỗ trợ dành riêng cho khu vực DNNVV.

Đứng ở góc độ DN, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng, chính sách nhiều nhưng không phát huy hiệu quả là do việc thực hiện dàn trải, thiếu đồng bộ. Theo đó, Bộ, ngành nào cũng có chính sách hỗ trợ nhưng lại thiếu quy trình chuẩn tổng thể, nên việc triển khai thực hiện chính sách lại không tập trung, tản mát.

Thêm nhiều hỗ trợ

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ hiện đang chuẩn bị ban hành Kế hoạch phát triển DNVVN giai đoạn 2016-2020, trong đó có nhiệm vụ xây dựng dự án Luật hỗ trợ phát triển DNVVN dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2016 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến dành khoảng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ khối DN này.Các giải pháp hỗ trợ sẽ được thực hiện thông qua kênh gắn kết trực tiếp với DN với mục tiêu đem lại hiệu quả cao nhất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tới đây NHNN sẽ tiếp tục tập trung vốn đầu tư cho các DNNVV hoạt động kinh doanh có hiệu quả, các DN trực tiếp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.

Đặc biệt, nếu DNNVV hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; ứng dụng công nghệ cao; và nông nghiệp, nông thôn, các địa bàn thuộc vùng khó khăn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn. Đồng thời đầu tư tín dụng của các TCTD sẽ tập trung cho vay các DNNVV gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong từng thời kỳ, phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương, gắn liền với phát triển tam nông.

Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ của Chính phủ phát huy tác dụng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng, khi Chính phủ xây dựng chính sách cần có sự tham vấn, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan và địa phương; các nội dung hỗ trợ cần tập trung vào những gì DN cần, đi vào thực chất và hết sức tránh hình thức hay manh mún.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, DNNVV thường là khu vực bị “hành” nhiều nhất bởi các rào cản về thủ tục hành chính pháp lý, do đó việc gỡ khó cho DNNVV về thủ tục và thể chế để tạo điều kiện cho DNNVV có thể hoạt động được cần xuất phát từ chính các kiến nghị, đề xuất lên từ phía khu vực này, có như vậy mới sửa đúng chỗ cần sửa để hỗ trợ trúng nhu cầu của DN.

Mặt khác, chính sách hỗ trợ cần giúp thúc đẩy DN có động lực phát triển từ nhỏ lên vừa, từ vừa vươn lên quy mô lớn để tăng sức cạnh tranh.

Theo báo cáo tình hình triển khai thực hiện hỗ trợ và phát triển DNNVV giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù số DNNVV thành lập trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt 380.000 DN, vượt so với mục tiêu kế hoạch đặt ra là 350.000 DN, song tính lũy kế số DN thực tế đang hoạt động đến thời điểm cuối năm 2015 chỉ đạt 530.000 DN, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch đặt ra là 600.000 DN do số DN giải thể, phá sản tăng mạnh trong thời gian gần đây.