Dồn sức cho mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 120% GDP vào năm 2025
Trong mục tiêu cơ cấu lại thị trường chứng khoán, Chính phủ đặt ra mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Đồng thời, trước năm 2025, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi.
Trong năm 2018, mặc dù chịu nhiều tác động từ những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, tài chính tiền tệ thế giới và đã có một năm giao dịch nhiều biến động thăng trầm, tuy nhiên đây là một năm đạt được nhiều thành công, ghi nhận nhiều bước tiến của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn hữu hiệu cho cả Chính phủ và khu vực tư nhân và được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn trong năm 2018. Tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán năm 2018 đạt hơn 278 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017.
Thị trường chứng khoán tiếp tục giữ mức tăng trưởng ổn định cả về quy mô và thanh khoản. Trên thị trường cổ phiếu, quy mô vốn hóa năm 2018 tăng 12,7% so với năm 2017, tương ứng với 71,6% GDP của năm 2018, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2020. Thanh khoản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng so với năm 2017, với mức tăng 29% từ 5.000 tỷ đồng/phiên năm 2017 lên 6.500 tỷ đồng/phiên năm 2018.
Với việc huy động được hơn 192 nghìn tỷ đồng, thông qua 269 đợt đấu thầu trong năm 2018, thị trường trái phiếu cũng đã góp phần tích cực giúp Chính phủ huy động vốn với lãi suất thấp nhất từ trước đến nay, đáp ứng được nhu cầu đầu tư công và cơ cấu nợ công của Chính phủ. Thị trường chứng khoán phái sinh sau hơn 1 năm hoạt động duy trì tốc độ tăng trưởng tốt và đều đặn với khối lượng giao dịch bình quân năm 2018 đạt hơn 79 nghìn hợp đồng/phiên, gấp 7,2 lần so với 2017.
Nhằm mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại toàn diện thị trường chứng khoán, ngày 28/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.
Theo đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu chung là tiếp tục cơ cấu lại toàn diện để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; xây dựng cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân; tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới.
Đồng thời, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017. Số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025. Đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường chứng khoán; triển khai các sản phẩm chứng quyền có đảm bảo, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ và hợp đồng tương lai trên các chỉ số mới ngoài chỉ số VN30 trước năm 2020 và từng bước triển khai các sản phẩm quyền chọn, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu trước năm 2025. Lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo quy định pháp luật; nâng chỉ tiêu an toàn tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán tăng 20% so với hiện tại.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu trước năm 2020, đổi mới toàn diện và đồng bộ công nghệ giao dịch và thanh toán bù trừ trên thị trường chứng khoán; Đến năm 2025, chất lượng quản trị công ty trong các công ty niêm yết của Việt Nam đạt mức bình quân ASEAN-6. Đồng thời, trước năm 2025, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, một số giải pháp trọng tâm đã được đưa ra như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý; Cơ cấu lại cơ sở hàng hóa (Đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường, Nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa), Cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, Cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán, Cơ cấu lại tổ chức thị trường, Nâng cao năng lực, quản lý giám sát và cưỡng chế thực thi, Nâng hạng thị trường, và Tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp.