Dồn sức cho nửa chặng đường còn lại
(Tài chính) Chúng ta đã thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng được một nửa thời gian. Theo đó, tăng trưởng, chất lượng và cơ cấu kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nửa đầu chặng đường có một số điểm tích cực. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.
Tăng trưởng, chất lượng và cơ cấu kinh tế
Về tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu chặng đường có một số điểm đáng lưu ý.
Một là, tăng trưởng kinh tế có một số điểm tích cực. Rõ nhất là tốc độ tăng giá trị tăng thêm của nhóm ngành dịch vụ cao hơn tốc độ tăng của 2 nhóm ngành khác và tăng cao hơn tốc độ tăng chung (năm 2011 tăng 6,63% so với tăng 6,24%, năm 2012 tăng 5,9% so với tăng 5,25%, 6 tháng 2013 tăng 5,92% so với 4,90%). GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái năm 2011 đạt 1.517 USD, tăng rất cao (tăng 19,2%) chủ yếu do lạm phát cao (bình quân tăng 18,58%); năm 2012 tuy tăng chậm lại (15,3%) do lạm phát chậm lại, nhưng do tỷ giá tăng thấp hơn, nên đó vẫn là tốc độ tăng rất cao. Nếu giữ được tốc độ tăng như bình quân 2 năm qua (17,2%) thì đến năm 2015 chắc chắn sẽ vượt mục tiêu đề ra. Hệ số ICOR bình quân thời kỳ 2011-2012 thấp hơn thời kỳ 2006-2010 (5,5 lần so với 6,2 lần), chứng tỏ hiệu quả đầu tư có khá hơn.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cũng còn một số hạn chế và đứng trước một số thách thức không nhỏ. Đó là tăng trưởng kinh tế thấp khá xa và gần như không đạt được mục tiêu đề ra cho cả nhiệm kỳ. Đặc biệt, tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp và xây dựng, nhóm ngành trong nhiều năm qua là động lực và đầu tàu tăng trưởng kinh tế chung, còn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng theo mục tiêu.
Do vậy, muốn thực hiện được mục tiêu của cả nhiệm kỳ, thời gian 2 năm rưỡi còn lại phải tăng 8,86-9,58%/năm. Theo kinh nghiệm của thế giới cũng như của Việt Nam cho thấy, việc đạt được mục tiêu trong tương lai không phải dựa vào tăng trưởng cao trong ngày hôm nay mà ở sự bền vững của tốc độ trong dài hạn. Vì vậy việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu rất cần được chú trọng.
Hai là, về chất lượng tăng trưởng. Vốn đầu tư/GDP đã giảm nhanh trong mấy năm nay, từ 39,2% trong thời kỳ 2006-2010 xuống 29,6% trong 6 tháng đầu năm 2013 và sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra. Đó là điểm tích cực. Nhưng do tăng trưởng kinh tế chậm lại, hiệu quả đầu tư còn thấp, thể hiện hệ số ICOR còn ở mức cao. Tốc độ tăng năng suất lao động cũng đã bị chậm lại (năm 2010 tăng 3,59%, năm 2011 tăng 3,49%, năm 2012 tăng 2,5%). Nguyên nhân chủ yếu do tỷ trọng lao động đã qua đào tạo còn thấp (nếu tính theo số có bằng cấp và chứng chỉ thì tỷ lệ còn thấp hơn nhiều); cơ cấu lao động còn bất hợp lý; khoa học kỹ thuật phát triển chậm…
Ba là, cơ cấu kinh tế bước đầu có sự chuyển biến tích cực hơn. Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng tỷ trọng vốn đầu tư khu vực Nhà nước đã giảm xuống (từ 38,7% bình quân thời kỳ 2006-2010, xuống còn 31,8% bình quân thời kỳ 2011-2012). Cơ cấu lao động theo nhóm ngành kinh tế đã chuyển dịch theo hướng: tỷ trọng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản giảm (từ 48,4% năm 2011 xuống 47,5% năm 2012, xuống 47,4% trong 6 tháng đầu năm 2013); tỷ trọng của nhóm ngành công nghiệp-xây dựng đã tăng từ 20,9% năm 2010 lên 21,1% năm 2012; tỷ trọng của nhóm ngành dịch vụ tăng từ 29,6% năm 2010 lên 31,4% năm 2012. Tỷ trọng lao động của khu vực ngoài Nhà nước tăng nhẹ từ 86,1% năm 2010 lên 86,3% năm 2012.
Tuy nhiên, về cơ cấu kinh tế có một số điểm còn hạn chế. Cơ cấu GDP theo nhóm ngành kinh tế vẫn chuyển dịch chậm và khó đạt được mục tiêu đề ra. Cơ cấu lao động theo nhóm ngành kinh tế cũng khó đạt mục tiêu, bởi tỷ trọng lao động của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản giảm chậm; của nhóm ngành công nghiệp tăng chậm (6 tháng đầu năm 2013 còn bị giảm), trong khi nhóm ngành này năm 2012 có năng suất lao động cao nhất trong 3 nhóm ngành và cao hơn mức bình quân của cả nước. Cơ cấu đầu tư công, cơ cấu ngân hàng thương mại, doanh nghiệp Nhà nước là 3 trọng điểm của cơ cấu lại nền kinh tế được đề ra từ đầu nhiệm kỳ, nhưng việc khởi động trong mấy năm qua còn chậm do phải tập trung cao hơn cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cơ cấu sản xuất, xuất khẩu, nhất là của khu vực kinh tế trong nước, vẫn còn mang nặng tính gia công; do hiệu quả đầu tư và năng suất lao động còn thấp, sức cạnh trạng còn thấp, nên diễn ra tình trạng “xuất khẩu giùm”, “tiêu thụ hộ”.
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát
Kinh tế vĩ mô có nhiều nội dung, trong đó có một số nội dung chủ yếu.
Tỷ lệ vốn đầu tư xã hội/GDP đã giảm khá nhanh, nên chênh lệch giữa vốn đầu tư/GDP và phần tích lũy/GDP đã giảm, từ trên 10% trong thời kỳ 2007-2010 (trong đó năm 2009 lên đến xấp xỉ 14,4%), xuống còn 9,5% năm 2011 và ước khoảng 3% năm 2012 và có thể còn giảm xuống nữa trong năm 2013.
Trong thời kỳ 2007-2010, cán cân thương mại mất cân đối lớn, với mức nhập siêu bình quân năm lên đến 14,4 tỷ USD (trong đó năm 2008 lên đến trên 18 tỷ USD), nhưng năm 2012, lần đầu tiên sau 20 năm, Việt Nam đã xuất siêu 780 triệu USD. Lượng ngoại tệ các từ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn ODA, nguồn kiều hối tăng, cộng với tỷ giá ổn định trong vài năm qua đã làm giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ.
Những yếu tố đó đã góp phần cải thiện cán cân tổng thể, tăng dự trữ ngoại hối (hiện đạt khoảng 12 tuần nhập khẩu, bằng với mức ranh giới an toàn theo thông lệ quốc tế). Năm 2013 có thể không nhập siêu ở mức lớn như chỉ tiêu kế hoạch (bằng 8% kim ngạch xuất khẩu, tính ra mức tuyệt đối khoảng 10 tỷ USD), nhưng 7 tháng mới ở mức 733 triệu USD, bằng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bội chi ngân sách/GDP mấy năm nay giữ ở mức 4,8%. Việc cân đối ngân sách năm 2013 còn nhiều khó khăn, khi tỷ lệ thực hiện 7 tháng so với dự toán cả năm đạt còn thấp. Tỷ lệ số trả nợ, viện trợ đã chiếm tỷ trọng cao so với thu ngân sách.
Lạm phát năm 2012 đã thấp nhiều so với năm 2011 (6,81% so với 18,13%). Năm 2013 có thể cũng chỉ ở mức như năm 2012. Nhưng bình quân năm 2 năm này vẫn cao (tăng khoảng 10,5%) và việc kiềm chế lạm phát vẫn chưa thật bền vững, vì lạm phát thấp có một phần quan trọng do đầu tư, tiêu dùng co lại, do giá lương thực, thực phẩm giảm hoặc tăng thấp, trong khi nguyên nhân sâu xa, yếu tố tiềm ẩn của lạm phát là hiệu quả đầu tư, năng suất lao động vẫn còn thấp.