Đồng bằng sông Cửu Long: Tập trung khai thác phát triển kinh tế sông

Theo Hưng Tân/ Báo Hậu Giang

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có mạng lưới sông ngòi, kênh, rạch dày đặc, với khoảng 26.550km sông tự nhiên, thuận lợi cho giao thông thủy; trong đó có trên 5.000km sông, kênh, rạch cho phép phương tiện thủy trọng tải trên 100 tấn đi lại dễ dàng. Lợi thế là vậy, tuy nhiên lâu nay nhiều địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của sông để phát triển kinh tế; đây là vấn đề cần nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới...

Vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy trên sông Hậu. Ảnh: Hưng Tân
Vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy trên sông Hậu. Ảnh: Hưng Tân

Lợi thế… còn bỏ ngỏ

Theo các nhà chuyên môn ở ĐBSCL phân tích, hầu hết các dòng sông chính, cùng các phụ lưu và hệ thống rạch đã tạo nên một mạng lưới liên hoàn chảy qua các khu công nghiệp tập trung, khu dân cư… Đồng thời, có nhiều cảng sông tiếp cận trực tiếp với hệ thống giao thông đường bộ. Nhiều tuyến sông có vị trí tiếp cận với các cảng biển quan trọng, tạo nên những điểm nối giao lưu giữa các phương thức vận tải. Có thể nói, với mạng lưới sông ngòi, kênh, rạch dày đặc, vùng ĐBSCL có ưu thế lớn về phát triển kinh tế sông.

TS. Trần Văn Hiếu - Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Dù chưa có định nghĩa nào đầy đủ về kinh tế sông, tuy nhiên có thể hiểu kinh tế sông là hoạt động phức hợp đa ngành nghề nhằm khai thác nguồn lợi kinh tế của các con sông để phục vụ phát triển kinh tế, phát triển sản xuất và đời sống; trong đó bao gồm các hoạt động vận tải đường sông, phát triển du lịch trên sông, nuôi trồng thủy sản trên sông, sử dụng nguồn nước sông cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt. Ngoài ra, còn có thể xây dựng thủy điện và khai thác các tài nguyên dưới lòng sông cho nhu cầu phát triển kinh tế… Tất cả có quan hệ hữu cơ với nhau trong quan hệ với kinh tế ngành, kinh tế vùng và cả nền kinh tế…

Đồng quan điểm trên, TS. Bùi Ngọc Hiền - Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Về góc độ kinh tế, sông mang lại nhiều lợi ích khác nhau như cung cấp thủy sản, cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất, chăn nuôi, đời sống sinh hoạt của con người, cung cấp phù sa… Có thể nói, với hệ thống dày đặc, nhờ lượng phù sa bồi đắp hàng năm nên vùng ĐBSCL trở thành nơi sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái chủ lực của cả nước.

Mặt khác, hệ thống sông của ĐBSCL cũng giúp cho vùng có mật độ đường thủy cao nhất cả nước, đạt tỷ lệ 0,61km/km2. Hệ thống này được hình thành từ hai hệ thống sông chính theo trục dọc là sông Tiền và sông Hậu, cùng các tuyến đường thủy trục ngang với tổng chiều dài khoảng 14.900km. Bên cạnh đó, hệ thống sông, rạch cũng giúp môi trường tự nhiên của ĐBSCL được bảo vệ trước sự tác động tiêu cực của đô thị hóa, biến đổi khí hậu; tạo ra nhiều hướng sinh kế cho người dân và thúc đẩy du lịch sinh thái, du lịch đường thủy phát triển…

Các địa phương nhìn nhận, dù thế mạnh là vậy, tuy nhiên nhiều năm qua kinh tế sông của vùng này chưa được khai thác hiệu quả. Nhiều con sông, kênh, rạch lớn vẫn chỉ là dòng chảy không tải, ít lợi nhuận, chưa tương xứng với tài nguyên mà thiên nhiên ưu đãi. Do đó, việc tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông, mở lối cho kinh tế sông ở ĐBSCL phát triển là vấn đề cấp thiết đặt ra…

Cần tăng cường đầu tư, khai thác

ThS. Võ Minh Cảnh - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ, cho rằng kinh tế sông giữ vai trò quan trọng, không thể tách rời đối với kinh tế vùng ĐBSCL trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì vậy, cần học cách khai thác những giá trị từ sông nước mang lại một cách tối ưu theo nguyên tắc phát triển bền vững.

Để làm được điều này, công tác quản lý nhà nước có vai trò quan trọng. Theo đó, cần tăng cường hiệu quả trong quản lý nhà nước thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn đồng bộ, chặt chẽ đối với các hoạt động của kinh tế sông, nhất là khai thác, sử dụng tài nguyên nước cũng như các nguồn lợi từ sông nước. Tăng cường huy động các nguồn lực, nhất là tư nhân trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương trong vùng ĐBSCL về quản lý tài nguyên nước một cách hợp lý…

TS. Trần Văn Hiếu - Trường Đại học Cần Thơ đề xuất, các địa phương và ngành chức năng cần tìm cách phát triển vận tải thủy, bởi đường sông cũng rất quan trọng nhưng lâu nay chưa được khai thác, đầu tư bằng đường bộ. Tới đây, vận tải đường sông ở ĐBSCL cần nâng cấp các cảng, đầu tư thiết bị dẫn đường, nâng độ tĩnh không đường thủy, tăng cường nạo vét luồng lạch, phát triển ngành logistics, xây cảng biển quốc tế.

Ngoài ra, có giải pháp căn cơ, hiệu quả phát triển bền vững về du lịch đường sông; có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư du lịch trên sông, ven sông. Quản lý tốt việc khai thác tài nguyên cát dưới lòng sông, bởi cát là nguồn tài nguyên khá lớn của các con sông ở ĐBSCL. Mặt khác, cần quản lý tốt nghề nuôi thủy sản trên sông, vừa bảo vệ nguồn nước, vừa phục vụ tốt cho phát triển kinh tế…

Theo các nhà khoa học, nhà chuyên môn, ngành chức năng, việc đưa ra nhiều giải pháp, khai thác những lợi thế và phát triển kinh tế sông trong thời gian tới là nhằm góp phần thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển bền vững. Theo đó, thống nhất nhận thức, xác định đúng vai trò của kinh tế sông; xây dựng lộ trình khai thác, phát triển kinh tế sông phù hợp; xây dựng cơ chế quản lý hệ thống sông của vùng ĐBSCL phù hợp với tình hình mới; cần tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng về khai thác lợi thế hệ thống sông, kênh, rạch; ngoài ra chú trọng hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế sông ở ĐBSCL…

PGS.; TS. Từ Văn Bình, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lưu ý, từ thực tế cho thấy, các dòng sông tại ĐBSCL không những mang đến nguồn tài nguyên phì nhiêu, không những đóng góp vào đời sống, sinh hoạt của hàng triệu người trong vùng, mà còn góp phần vào sự phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải thủy, logistics, kinh doanh du lịch đường thủy…

Trên tinh thần đó, quan điểm chung của Nhà nước sẽ có hướng thực hiện chính sách đảm bảo kinh tế sông vùng ĐBSCL được khai thác hiệu quả, đảm bảo bền vững. Làm được điều này thì một trong những vấn đề đầu tiên của Chính phủ là dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống thủy lợi, dịch vu logistics trong vùng; khai thác nhiều hơn kinh tế sông để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, vận tải, du lịch… trên tinh thần đảm bảo môi trường, hạn chế tối đa những thiệt hại của các sông, rạch tác động đến đời sống và an sinh của người dân trong vùng.