Đồng bộ giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng

Hiếu Phương

Trong làn sóng biến động ngày càng lan rộng toàn cầu, ổn định kinh tế vĩ mô nổi lên như trụ cột then chốt, giúp bảo vệ nội lực và tạo nền tảng để duy trì đà tăng trưởng bền vững, góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.

Ổn định kinh tế vĩ mô giúp bảo vệ nội lực và tạo nền tảng để duy trì đà tăng trưởng bền vững, đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Ổn định kinh tế vĩ mô giúp bảo vệ nội lực và tạo nền tảng để duy trì đà tăng trưởng bền vững, đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

“Phao cứu sinh” trong bối cảnh thế giới đầy bất định

Năm 2024 và đầu năm 2025, kinh tế toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với nhiều cú sốc mang tính hệ thống, bắt nguồn từ cả yếu tố địa chính trị, lẫn chính sách tiền tệ và cấu trúc cạnh tranh toàn cầu đang tái định hình. Những cơn “sóng dữ” này không chỉ làm xói mòn niềm tin thị trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng tăng trưởng và ổn định tài chính của nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

Trong bối cảnh đó, năm 2024 và quý I/2025, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đóng vai trò quan trọng như một "phao cứu sinh" giữa bối cảnh toàn cầu đầy biến động. Nhờ đó, tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,09%, vượt mục tiêu 6,5% do Quốc hội đề ra, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới. Lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,63%, nằm trong mục tiêu kiểm soát dưới 4% của Chính phủ.​ Thặng dư thương mại đạt 24,77 tỷ USD, xuất khẩu tăng 14,3% và nhập khẩu tăng 16,7%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 9,4%, đạt 25,35 tỷ USD.

Quý I/2025, theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tăng trưởng kinh tế đạt 6,93%, con số cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Mức tăng trưởng ấn tượng ngay trong quý đầu năm là khởi đầu thuận lợi cho kế hoạch tăng trưởng cả năm 8% và không thay đổi mục tiêu tăng trưởng trước những biến cố lớn từ thương mại quốc tế. Những kết quả này cho thấy Việt Nam đã thành công trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng vững chắc để ứng phó với các biến động toàn cầu.

Tập trung loạt nhóm giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất định, xung đột địa chính trị kéo dài, xu hướng bảo hộ thương mại và lãi suất cao duy trì ở nhiều nền kinh tế lớn, việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý là yêu cầu cấp thiết với Việt Nam nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra. Để đạt mục tiêu này, cần triển khai đồng bộ các giải pháp tài khóa, tiền tệ, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực thích ứng, cụ thể bao gồm 5 nhóm giải pháp sau:

Duy trì chính sách tài khóa – tiền tệ thận trọng, linh hoạt, phối hợp hiệu quả

Giữ vững kỷ luật tài khóa, ưu tiên đầu tư công hiệu quả. Duy trì kiểm soát tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và nợ công dưới ngưỡng an toàn để đảm bảo định hướng giữ vững kỷ luật ngân sách. Tuy nhiên, dư địa chính sách còn hạn chế, nên cần ưu tiên phân bổ nguồn lực cho các dự án đầu tư công trọng điểm, có tính lan tỏa cao như giao thông, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo.

Điều hành tiền tệ chủ động, kiểm soát tín dụng rủi ro. Cần tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, công nghệ cao thay vì bất động sản đầu cơ hay các dự án thiếu hiệu quả, đồng thời giám sát chặt chất lượng tín dụng.

Trong bối cảnh nhiều rủi ro chồng chéo, cần linh hoạt trong điều hành chính sách, nhưng vẫn kiên định với mục tiêu giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá, củng cố nền tảng tài chính tiền tệ, duy trì chính sách tiền tệ thận trọng. Linh hoạt trong ứng phó, sẵn sàng điều chỉnh chính sách để đối phó với các cú sốc bên ngoài, như việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ chính sách hỗ trợ và sẵn sàng cắt giảm lãi suất nếu cần thiết.

Tăng cường phối hợp chính sách liên ngành. Việc phối hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các công cụ điều tiết giá, đặc biệt là giá điện, xăng dầu cần được thực hiện bài bản, nhất quán. Dự báo kinh tế cần kịp thời, chất lượng hơn, giúp các cơ quan điều hành có căn cứ chính xác trong ứng phó biến động.

Tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lực chống chịu

Chủ động trong cải cách. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao năng suất lao động; Cải thiện năng suất nội ngành và liên ngành; Đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế cần được thực thi một cách quyết liệt, bài bản và có tính liên ngành để nâng cao năng lực thích ứng trước các cú sốc bên ngoài.

Phát triển thị trường vốn, đa dạng hóa nguồn lực tài chính. Khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng đang ngày càng thúc đẩy nhu cầu mở rộng thị trường vốn. Tuy nhiên, sau các sự kiện liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp năm 2022–2023, niềm tin thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn, nhưng để thị trường vốn trở thành kênh huy động hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, minh bạch hóa thông tin, nâng cao năng lực định mức tín nhiệm và bảo vệ nhà đầu tư.

Bảo đảm an sinh xã hội và củng cố niềm tin thị trường

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều cú sốc bất định, từ xung đột địa chính trị, lạm phát cao kéo dài đến nguy cơ suy thoái tại các nền kinh tế lớn, việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô không thể tách rời các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội và củng cố niềm tin của thị trường.

Chính sách hỗ trợ cần đúng đối tượng và tạo động lực phục hồi sản xuất. Đồng thời, tăng cường minh bạch thông tin và ổn định tâm lý thị trường. Trong điều kiện môi trường kinh tế biến động, niềm tin thị trường là tài sản vô hình nhưng hết sức quan trọng.

Đẩy mạnh hội nhập, tăng cường quan hệ kinh tế quốc tế

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và các chuỗi cung ứng toàn cầu bị phân mảnh, việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ là chiến lược tăng trưởng mà còn là trụ cột bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô lâu dài. Cần tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tăng cường thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.

Kêu gọi sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp

Sự đồng hành của các bên liên quan là yếu tố then chốt để Việt Nam vượt qua thách thức và hướng đến phát triển bền vững. Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và tạo việc làm. Người dân tham gia tích cực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ và kỹ năng lao động. Hệ thống chính trị tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.