Đồng bộ giải pháp thúc đẩy công cụ tài chính xanh phát triển
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030 đặt ra mục tiêu “phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững”. Đây sẽ là các trụ cột quan trọng trong việc xây dựng thị trường vốn xanh, bền vững, góp phần phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn, nguồn tài chính cần thiết cho các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, xanh và các dự án bảo vệ môi trường khác.
Cơ hội rộng mở cho các công cụ tài chính xanh
Công cụ tài chính xanh gồm trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh, hay chứng chỉ carbon ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Dưới góc độ phát triển các công cụ tài chính xanh nhìn từ Chiến lược Phát triển TTCK đến năm 2030, ông Tô Trần Hòa - Vụ Phát triển Thị trường ( Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) chia sẻ: “Các công cụ này sẽ là các trụ cột quan trọng trong việc xây dựng thị trường vốn xanh, bền vững, góp phần phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn, nguồn tài chính cần thiết cho các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, xanh và các dự án bảo vệ môi trường khác, từ đó, giúp làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng không tái tạo và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.”
Xuất phát từ vai trò quan trọng của công cụ tài chính xanh, tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển TTCK đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển công cụ tài chính xanh, cụ thể:
Thứ nhất, nghiên cứu, triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu xanh, như: khuyến khích việc phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh; các sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, các loại sản phẩm cấu trúc, các loại chứng chỉ lưu ký, các loại chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, các công cụ tài chính xanh phù hợp với trình độ phát triển của TTCK.
Thứ hai, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về tổ chức cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững.
Thứ ba, nghiên cứu các giải pháp thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư vào các công cụ tài chính xanh phù hợp với quy định pháp luật.
Thứ tư, triển khai hợp tác với đối tác nước ngoài nhằm nghiên cứu các sản phẩm mới cho thị trường, đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm liên quan đến tài chính xanh và phát triển bền vững.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, để triển khai hiệu quả các giải pháp trên, thời gian qua, Ủy ban đã tích cực kêu gọi sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm đưa vào công cụ tài chính xanh mới; nghiên cứu xây dựng hệ thống văn bản pháp quy điều chỉnh tài chính bền vững, nâng cao năng lực và tăng cường nhận thức của cơ quan quản lý lẫn các thành viên thị trường, nhà đầu tư về các công cụ tài chính xanh và phát triển bền vững.
Chia sẻ về cơ hội cho các công cụ tài chính xanh phát triển, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay, tài chính xanh có thể được hiểu là các chính sách, công cụ và giải pháp về tài chính – tiền tệ giúp quốc gia đạt được các định hướng, mục tiêu và chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, tăng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bao trùm, bền vững.
Vị chuyên gia này chỉ ra rằng, cơ hội cho tài chính xanh tại Việt Nam đang rộng mở vì đây là xu hướng tất yếu; đồng thời, hành lang pháp lý cho tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh dần được hoàn thiện; định hướng và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đòi hỏi nguồn vốn lớn từ tín dụng, chứng khoán xanh...
Hỗ trợ các cấu phần của TTCK xanh phát triển
TS. Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, từ năm 2015 tới nay, TTCK xanh tại Việt Nam đã hình thành và phát triển, bao gồm cả cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh. TS. Nguyễn Thanh Nga chỉ rõ, công tác thiết lập khung pháp lý và chính sách phát triển TTCK xanh được thể hiện ở việc nghiên cứu thiết lập khung tài chính xanh cho hoạt động trên thị trường vốn như các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và trong giám sát (theo các tiêu chí tài chính xanh).
Cùng với đó là hoàn thiện các quy định về phát hành trái phiếu xanh tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và các nghị định quy định phát hành, đăng ký, lưu ký và niêm yết và giao dịch công cụ nợ. Chính sách phát triển trái phiếu xanh đã được thể hiện tại Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi với phát triển TTCK xanh được ban hành...
Theo Thông tư số 101/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ đăng ký niêm yết, quản lý niêm yết, giao dịch, đăng ký chứng khoán, hủy đăng ký chứng khoán một phần, lưu ký chứng khoán. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính dự kiến trình các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với các nguồn thu nhập phát sinh từ trái phiếu xanh trong quá trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn.
Ngoài ra, đại diện Bộ Tài chính cho biết, một số chính sách tài chính xanh, như: chính sách phát triển bảo hiểm xanh, chính sách phát triển thị trường tín chỉ carbon cũng được xây dựng và triển khai...
Với bối cảnh hiện nay, TS. Nguyễn Thanh Nga nhấn mạnh cần xây dựng và triển khai toàn diện các định hướng và giải pháp tài chính xanh. Trong đó, tập trung nâng cao khả năng huy động và sử dụng các công cụ tài chính xanh, đồng thời đảm bảo đầu tư hiệu quả.
Đặc biệt là triển khai đồng bộ giải pháp hỗ trợ các cấu phần của TTCK xanh phát triển. Cụ thể, đối với trái phiếu xanh, xây dựng Đề án phát hành thí điểm trái phiếu Chính phủ xanh tại thị trường trong nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư
Đối với cổ phiếu xanh, hỗ trợ và đào tạo các công ty niêm yết và công ty đại chúng về công bố các thông tin liên quan đến phát triển bền vững nhằm đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần xây dựng năng lực cho các thành viên thị trường, trong đó quan trọng là các doanh nghiệp tư vấn trong nước có thể cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập đối với các dự án xanh sử dụng nguồn thu từ vốn nợ xanh.