Cần thiết hoàn thiện pháp luật đảm bảo an ninh, an toàn thị trường chứng khoán
Luật hóa quy định chi tiết các hành vi thao túng thị trường chứng khoán là cần thiết để đồng bộ với Bộ Luật Hình sự và đảm bảo an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, hướng đến thị trường chứng khoán phát triển bền vững và lành mạnh.
Nhiều thủ đoạn thao túng thị trường tinh vi
Thị trường chứng khoán ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế bởi đây là kênh hữu hiệu để huy động vốn đầu tư cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng là kênh đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Lợi dụng điều này, đã có không ít trường hợp các công ty phát hành chứng khoán bằng thủ đoạn gian dối đã tạo ra hiện tượng cung cầu giả trên thị trường để trục lợi trái pháp luật.
Sau một số vụ án thao túng thị trường chứng khoán tại FLC, mới đây, vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán Việt Nam lại tiếp tục diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Cơ quan chức năng liên tục phát hiện và xử lý được nhiều vụ án liên quan đến hành vi thao túng thị trường.
Thượng úy Doãn Ngọc Bình – Đội 5 – Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, Công an TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, một số đối tượng lợi dụng việc lập, sử dụng hội nhóm trên không gian mạng để kêu gọi, hô hào đầu tư mua một nhóm mã cổ phiếu nhằm mục đích để thao túng giá cổ phiếu, gây tác động xấu đến thị trường chứng khoán, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư chân chính.
“Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, có phân công nhiệm vụ cụ thể, lợi dụng tính ẩn danh và phổ cập của không gian mạng để hoạt động”, Thượng úy Bình chia sẻ.
Bên cạnh những người có kiến thức chịu khó tìm hiểu thì cũng có không ít người nhẹ dạ cả tin, thiếu kiến thức đầu tư tài chính, nên đã mất không ít tiền của để đi học và bị các “thầy” dạy chứng khoán online lừa đảo chiếm đoạt số tiền từ vài trăm triệu đồng cho đến vài tỷ đồng.
Trong khi đó, cơ chế kiểm soát việc lập tài khoản giao dịch chứng khoán đặc biệt là cơ chế kiểm tra giám sát hoạt động này của các công ty chứng khoán hiện nay cũng chưa thực sự chặt chẽ. Điều này đã tạo nên kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng thuê và nhờ người khác mở tài khoản để sử dụng các tài khoản ảo này mua bán giao dịch chứng khoán, tạo cung cầu giả đẩy giá lên cao, thu lợi bất hợp pháp.
Cần đảm bảo giao dịch chứng khoán an toàn trong bối cảnh mới
Việc xác định trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán có mục đích ngăn chặn những hành vi vi phạm, khôi phục lại các quan hệ trong lĩnh vực chứng khoán do hành vi vi phạm gây ra, đồng thời đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán. Do đó, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định thao túng là hành vi bị cấm, bị nghiêm trị theo luật hình sự.
Tại Việt Nam, theo GS. TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội khóa XV, Luật Chứng khoán hiện hành đã quy định rất rõ những hành vi nào là hành vi thao túng, vi phạm và bị xử lý. Đồng thời, Luật cũng quy định các mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm, bị coi là thao túng thị trường.
“Tôi cho rằng, các quy định trong Luật hiện hành đã khá là chặt chẽ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải quy định rõ hơn về hành vi thao túng thị trường; trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các hành vi thao túng thị trường”, GS., TS. Hoàng Văn Cường cho biết.
Trong thời đại số hóa, thị trường chứng khoán trực tuyến đang trải qua một cuộc cách mạng mạnh mẽ mở ra cánh cửa đầu tư cho hàng triệu người. Tuy nhiên, cùng với những cơ hội mới nổi là hàng loạt thách thức chưa từng có tiền lệ. Từ những biến động thị trường cực nhanh do thuật toán giao dịch tự động đến nguy cơ an ninh mạng ngày càng phức tạp và sự xuất hiện của các hình thức thao túng thị trường tinh vi.
Làn sóng đổi mới này đang đặt ra những câu hỏi hóc búa cho cả nhà đầu tư, các công ty chứng khoán và cơ quan quản lý nhà nước. Việc mở tài khoản chứng khoán hiện nay rất dễ dàng, dường như không có điều kiện đặc thù nào, do đó các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện quy định pháp luật điều chỉnh giao dịch chứng khoán trực tuyến để đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Giao dịch điện tử mới được Quốc hội sửa đổi.
Sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán là cần thiết
Theo ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp lý Viện Nhà nước và Pháp luật, việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật Chứng khoán là cần thiết để đảm bảo cho thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch hiệu quả hơn.
Trong đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán, nhằm luật hóa quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán là rất quan trọng, bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư và ngăn chặn hành vi gian lận tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển.
Các hành vi thao túng thị trường chứng khoán được quy định ổn định, thống nhất từ năm 2012 tại Nghị định số 58/2012/NĐ-CP (Điều 70) và tiếp tục được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Điều 211), tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (khoản 2 Điều 3).
Tuy nhiên, thông qua công tác giám sát hoạt động giao dịch trên thị trường Việt Nam thời gian qua, các hành vi thao túng có nhiều phương thức khác nhau để tác động đến thanh hoặc tác động đến giá chứng khoán. Hiện Luật Chứng khoán đang quy định theo hướng mô tả chung về hành vi thao túng và mô tả chi tiết về các loại hành vi thao túng được quy định tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (tương tự các hành vi được coi là thao túng tại Bộ luật Hình sự).
Do hành vi thao túng có tính chất nghiêm trọng, tùy theo tính chất, mức độ mà có thể bị chế tài xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, cần thiết luật hóa quy định chi tiết các hành vi thao túng để một mặt nâng cao tính pháp lý của hành vi, mặt khác đảm bảo đồng bộ với Bộ luật Hình sự.